Theo trang Influencer Marketing Hub, doanh thu quảng cáo của podcast năm 2024 được dự báo đạt 4 tỉ USD, sau khi vượt ngưỡng 2 tỉ USD trong năm 2023. Cùng với con số này, podcast đã trở thành một “món ăn tinh thần” quen thuộc với nhiều người nghe trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Tại Việt Nam, xu hướng này còn đi đôi với nhu cầu học sản xuất podcast.
Nhu cầu “khởi nghiệp” bằng podcast
Những chương trình podcast trên các nền tảng mạng xã hội và cả báo chí truyền thống ngày càng phổ biến, thu hút nhiều khán giả ở Việt Nam.
Tiếp cận với podcast từ vài năm trước, Nguyễn Đoàn Yến Thơ (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết thời điểm giãn cách xã hội do Covid-19 cũng là lúc cô tiếp xúc với nhiều nội dung podcast được chia sẻ trên mạng xã hội. Các sản phẩm podcast với những chủ đề mới lạ như chữa lành, thao túng tâm lý, áp lực đồng trang lứa… đã thu hút Thơ tìm hiểu, nghe thường xuyên và sau cùng là học để làm được podcast.
“Tôi mong muốn có thể tự làm nội dung truyền tải thông điệp tích cực đến xã hội. Sắp tới, mình dự định sẽ thực hiện chương trình podcast để trao đổi về nghề nghiệp cùng khách mời”, Thơ bày tỏ. Ngoài ra, xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua kênh podcast cũng là một mục tiêu mà nữ sinh viên này hướng tới.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhi (chuyên gia trang điểm, TP.HCM) cũng tìm đến các khóa học làm podcast với dự định lập kênh podcast cá nhân chia sẻ về những chủ đề xã hội như hôn nhân. “Ban đầu, mình chỉ tham gia với mục tiêu cải thiện giọng nói. Tuy nhiên, sau đó mình được học thêm nhiều kỹ năng như lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, viết kịch bản, biên tập… để tự làm được một chương trình podcast tốt và cảm xúc hơn”, Nhi cho hay.
Học làm podcast ở đâu?
Để học về sản xuất podcast, nhiều người lựa chọn các khóa học tại Hội Nhà báo TP.HCM hoặc các trung tâm, học viện tư nhân. Tại đây, học viên được học các khâu từ bước lên ý tưởng đến thu âm. Trong đó, phần giọng nói và cách đọc dẫn được nhiều nơi chú trọng. Bên cạnh đó, thao tác tạo kênh podcast để phát và giúp công chúng tiếp cận sản phẩm trên các nền tảng là khâu quyết định cuối cùng.
Dù vậy, những khóa học này chỉ dừng ở mức chuyên gia truyền kinh nghiệm thực tế và chưa có một quy trình đào tạo chuẩn.
Cho đến nay, các trường ĐH đưa podcast vào chương trình, nhưng chỉ dừng lại ở các buổi học. Chẳng hạn, Bảo Châu, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết sinh viên được học 3 buổi về sản xuất podcast trong một module học phần phát thanh.
“Trong khuôn khổ buổi học tại lớp, tôi được học về các khái niệm podcast, cách lập kênh và xây dựng kênh cá nhân. Tuy nhiên, để có thể tiến xa hơn, tôi cũng cần được học thêm từ những khóa học bên ngoài”, nữ sinh viên chia sẻ.
Cần sớm chuẩn hóa quy trình đào tạo
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, nhà báo Huỳnh Sang (đang giảng dạy các khóa kỹ năng sản xuất chương trình podcast của Hội Nhà báo TP.HCM) cho rằng “chuẩn hóa” quy trình đào tạo sản xuất podcast là điều cần thiết.
“Đến nay, Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức được 2 khóa với số lượng khoảng 30 học viên. Những học viên chủ yếu là phóng viên báo đài, số còn lại là sinh viên, các bạn trẻ. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số trong báo chí để tạo ra các sản phẩm truyền thông-báo chí số phù hợp với xu hướng báo chí-truyền thông đa nền tảng”, nhà báo Huỳnh Sang chia sẻ.
Nhà báo-đạo diễn podcast Minh Tiệp cho rằng nếu các trường ĐH có thể tích hợp giảng dạy sản xuất podcast cho sinh viên thì sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Không riêng gì nhóm ngành báo chí-truyền thông, với bất kỳ sinh viên nào, kỹ năng sản xuất podcast sẽ là sự lựa chọn hợp thời, một điểm cộng lớn khi xin việc làm trong bối cảnh “nhà nhà nghe podcast”.
Ngoài ra, hai chuyên gia kể trên đề xuất các trường ĐH nâng cấp giờ học podcast thành một môn học trong chương trình đào tạo.
Các sinh viên ngành học khác như marketing, quản trị kinh doanh… cũng được hưởng lợi nếu biết cách sản xuất podcast.
“Trong lĩnh vực tiếp thị, podcast marketing cũng có xu hướng phát triển mạnh. Không ít công ty xây dựng kênh podcast để kết nối với khách hàng tiềm năng thông qua những buổi trò chuyện gần gũi hay câu chuyện kể về thương hiệu. Hình thức này rõ ràng hiệu quả hơn so với quảng cáo truyền thống”, ông Nguyễn Tường Châu, Chủ tịch Công ty Công nghệ truyền thông Mambo (TP.HCM), nhận định.
Vì thế, theo ông Châu, đối với sinh viên ngành marketing, quản trị kinh doanh, việc trang bị thêm kỹ năng về sản xuất podcast giúp phục vụ tốt hơn cho công tác quảng bá thương hiệu. Đây cũng là một điểm cộng của ứng viên khi xin việc làm.
Podcast là một dạng phát thanh trực tuyến, thường là các chương trình nói chuyện, thảo luận hoặc chia sẻ thông tin trên internet, dưới hình thức chỉ âm thanh (audio) hoặc video. Từ podcast được ghép giữa hai từ “iPod” (nhãn hiệu máy phát nhạc) và “broadcast” (phát sóng). Đây là thuật ngữ do nhà báo người Anh Ben Hammersley đưa ra trong bài viết của ông trên tờ The Guardian (Anh) hồi năm 2004, phản ánh về xu hướng mới podcast.