Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên |
Hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số
Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả và bền vững. Tại phiên thảo luận của Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 diễn ra ngày 21/11, các chuyên gia đã đưa ra những gợi mở, giải pháp thúc đẩy phát triển chuyển đổi số bền vững ngành Công Thương.
Chia sẻ về những kết quả chuyển đổi số mà ngành Công Thương đã đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương cho biết, qua thực hiện nhiều chương trình chuyển đổi số, kế hoạch phát triển kinh tế số của ngành, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là năm 2023, chuyển đổi số ngành Công Thương đã có sự phát triển đột phá.
Cụ thể, theo ông Quang, liên quan đến chuyển đổi số của ngành, Bộ đã có những chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ đến các đơn vị của ngành. Bộ Công Thương có 236 dịch vụ công trực tuyến, đến nay Bộ Công Thương đã có lượng giao dịch gần 1,2 triệu hồ sơ trực tuyến tính hết quý 3/2023. Trong gần 1,2 triệu hồ sơ gửi tới Bộ Công Thương, có 99% là hồ sơ gửi trực tuyến tới Bộ, chỉ khoảng có 1% hồ sơ gửi trực tiếp. Bộ Công Thương đang xếp vị trí dẫn đầu về dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phiên thảo luận tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 |
Về kinh tế số, Bộ Công Thương tập trung chuyển đổi số trong thương mại điện tử, công nghiệp và năng lượng. Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Điển hình như ngành năng lượng, đã tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới điện tử, kết nối đồng hồ đo điện, tăng sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố mạng lưới, tiết kiệm năng lượng…
Đề cập đến thách thức và giải pháp thúc đẩy mục tiêu đề ra là hướng đến 1 triệu doanh nghiệp số trong thời gian tới, ông Quang cho biết, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số là mục tiêu của toàn xã hội và của các bộ ngành, các doanh nghiệp. Đây là quá trình tất yếu của xã hội.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số vẫn được doanh nghiệp ứng dụng hằng ngày, từ việc mua sắm, thanh toán, tra cứu… đó cũng là một hình thức chúng ta đang tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số. Trong đó, với các doanh nghiệp ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã có những chương trình, kế hoạch để đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
Ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, ông Vũ Quang Hùng – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cho rằng, vấn đề chuyển đổi số đối với ngành Công Thương tương đối rõ nét. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt và nỗ lực trong chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Bằng chứng có thể thấy rõ qua một số doanh nghiệp ngành công nghiệp đã chuyển đổi số từ rất sớm. Điển hình như trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển đổi số xuất sắc. Nếu như trước kia cán bộ EVN phải tới từng cột ghi số điện, ngày nay, với việc ứng dụng hệ thống công tơ điện tử, hệ thống điện thông minh đã đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguồn lực, chi phí tham gia vận hành.
Hay như lĩnh vực xăng dầu, lĩnh vực dệt may hiện cũng đã ứng dụng có hiệu quả chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, ngành Công Thương sẽ có nhiều chuyển biến hơn nữa. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại, sử dụng AI để trích xuất số liệu từ quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và cá nhân.
“Với những giải pháp như vậy, chuyển đổi số của ngành công nghiệp và thương mại dự báo sẽ có nhiều chuyển biến trong thời gian tới” – ông Hùng nói.
Về phía doanh nghiệp, bà Đặng Thuỳ Trang – Giám đốc Đối ngoại Grap Việt Nam cho biết, tham gia thị trường hơn 10 năm, đến nay, Grap đã đạt được những thành công nhất định trong chuyển đổi số. Với tư cách là một mô hình chuyển đổi số thành công, đối với lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý, hiện Grap có rất nhiều dịch vụ như Grap, GrapBike, GrapCar, GrapFood… Grap cũng là một sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xác nhận.
“Theo thống kê, trong 2022, toàn khu vực Đông Nam Á có 83% đối tác của GrapFood và GrapMark là các doanh nghiệp, tăng trưởng 26%. Chúng tôi tự hào là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số có hiệu quả. Chúng tôi cũng đã có những công cụ hỗ trợ các đối tác nhìn thấy doanh số trực quan, sinh động và rõ ràng nhất để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, có thể hỗ trợ quảng cáo trực tuyến, triển khai chiến dịch Marketing, tạo các chiến dịch quảng cáo giúp các doanh nghiệp tăng hiển thị, tăng nhận diện và lan toả gần hơn với người dùng” – bà Đặng Thuỳ Trang cho hay.
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Cũng theo bà Trang, mục tiêu Grap luôn hướng tới là mang lại những trải nghiệm thiết thực, hiệu quả, không chỉ cho khách hàng mà còn đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động phát triển kinh doanh và tạo công ăn việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho nhiều tài xế.
Kiến nghị nhiều giải pháp chuyển đổi số hiệu quả
Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương kiến nghị nhiều giải pháp trong các lĩnh vực liên quan. Về giải pháp Chính phủ số, cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu kinh tế – xã hội phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng song song với đảm bảo an ninh, bảo mật hệ thống thông tin.
Về giải pháp phát triển kinh tế số, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; xây dựng chỉ tiêu thống kê kinh tế số và phát triển lưới điện thông minh, an toàn mạng lưới điện…
Về giải pháp phát triển xã hội số, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện tử và kỹ năng số; đào tạo nhân lực số cho các trường đại học. Dự kiến tập huấn một triệu người từ các doanh nghiệp trong 5 năm về kỹ năng số và thương mại điện tử
Với hàng loạt giải pháp này, Bộ Công Thương cơ bản sẽ xây dựng được “Bộ Công Thương điện tử” nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trong nội bộ của Bộ Công Thương nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.
Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành Công Thương từng bước thiết lập hệ thống sản xuất – kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những giải pháp để chuyển đổi số một cách hiệu quả và thành công.