Theo đó, HoREA đề nghị bỏ quy định tổ chức tín dụng phải quy định cụ thể việc “kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” tại điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 điều 1 TT06.
Bởi các tổ chức tín dụng gần như không thể thực hiện được quy định này trong trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án.
Do người sử dụng vốn vay cuối cùng là chủ đầu tư dự án không phải là khách hàng trực tiếp vay khoản tín dụng này.
Đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 điều 1 TT06, không quy định tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định khác.
Đồng thời, HoREA đề nghị NHNN xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của Thông tư số 39/201 (đã được bổ sung theo khoản 2 điều 1 TT06) do các quy định này chỉ mới ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9 vừa qua theo Thông tư 10/2023.
Mới đây, góp ý một số quy định của Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, HoREA thẳng thắn rằng, hầu như tất cả tổ chức tín dụng đều có hoạt động kinh doanh bất động sản do được “bật đèn xanh” cho phép bằng các quy định.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khoản 2 Điều 90 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và khoản 2 Điều 98 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đều quy định “tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng”.
Ngoài ra, Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Điều 138 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đều quy định “tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản”.
Tuy nhiên, quy định tiếp theo tại khoản 2 Điều 90 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và khoản 2 Điều 98 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng lại cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện “hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng” và quy định tiếp theo về các trường hợp “ngoại lệ” được phép “hoạt động kinh doanh bất động sản” tại Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Điều 138 Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng.
“Các quy định này đã dẫn đến tình trạng thực tế là hầu như tất cả tổ chức tín dụng đều có “hoạt động kinh doanh khác”, mà chủ yếu là “hoạt động kinh doanh bất động sản” do đã được “bật đèn xanh” cho phép“, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Ngọc Vy