Ngày 22.11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa gửi văn bản đến Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát. Việc này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến với TP.Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, đồng thời tạo điều kiện để tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 12.11.2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa X1) về phát triển TP.Đà Lạt giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát xây dựng từ thời Pháp, được khôi phục lại từ năm 1991 (gồm 6,7 km đường chính; 0,81 kmđường ga; 9 bộ ghi và 380m cống) là một phần trong dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của các đơn vị chức năng, hiện nay tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát xuống cấp rất nghiêm trọng, một số vị trí bị ngập úng, sạt lở cục bộ, nước thải, rác thải làm mất an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch và người dân địa phương.
Cụ thể, mặt bằng của tuyến này có nhiều đường cong liên tục, toàn bộ các đường cong đều không có ray hộ bánh; tuyến đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc dọc tương đối lớn, đặc biệt đoạn dốc trước ga Trại Mát (hướng Đà Lạt – Trại Mát).
Nền đường sắt hiện tại rộng trung bình 5m, có nhiều vị trí nền đào sâu và đắp cao. Dọc theo hành lang đường sắt chủ yếu là đồi núi, mỗi khi mưa lớn nước trên sườn đồi chảy xuống nền đường sắt kéo theo đất đá gây ngập đường sắt từ 20cm – 50cm, ảnh hưởng rất lớn đến chạy tàu.
Ray chủ yếu là ray P26, L = 12m trên tà vẹt bê tông xen lẫn tà vẹt sắt của Pháp đã bị mòn và hư hỏng nhiều, mật độ đặt tà vẹt trung bình 16 thanh/cầu ray L = 12m; các bộ ghi đã mòn quá tiêu chuẩn, không có phụ kiện thay thế. Trên toàn đoạn tuyến không có cầu mà chỉ có 19 cống để thoát nước; hiện tại 2 bên tuyến một số đoạn có hệ thống rãnh thoát nước dọc và một số vị trí có rãnh thoát nước ngang nhưng phần lớn đã bị đất đá vùi lấp, do đó trên tuyến thường xuyên bị ngập úng cục bộ.
Trên đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát vẫn còn các công trình kiến trúc cổ kính, đặc biệt là ga Đà Lạt là nhà ga cổ nhất Đông Dương (được công nhận là di tích kiến trúc văn hóa cấp quốc gia năm 2001); ngoài ra các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám sửa chữa đầu máy cũng đã xuống cấp.