Chiều 23.11, Bộ Tài chính cho biết, trong quý III năm 2023 (từ ngày 1.7 đến hết ngày 30.9), tổng số trích Quỹ Bình ổn giá là 13,92 tỉ đồng; tổng số sử dụng quỹ 387,94 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá dương trong quý III là 3,558 tỉ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm là 0,311 tỉ đồng.
Cụ thể, tại bảng thống kê chi tiết trích lập, chi sử dụng các thương nhân đầu mối cho thấy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư Quỹ Bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30.6.2023 cao nhất với hơn 3.000 tỉ đồng, chiếm hơn 40% tổng số dư quỹ.
Tiếp đến là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỉ đồng;
Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 466 tỉ đồng;
Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp là 446 tỉ đồng;
Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – CTCP với 391 tỉ đồng;
Công ty TNHH MTV dầu khí TP. Hồ Chí Minh hơn 327 tỉ đồng;
Công ty TNHH MTV – Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 292 tỉ đồng…
Báo cáo ghi nhận 4 đơn vị đang âm Quỹ Bình ổn giá lần lượt là:
Công ty cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh;
Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PV Oil);
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An;
Công ty TNHH Petro Bình Minh.
Bộ Tài chính cho biết, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01.11.2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Được biết, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Theo đó, nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.