ItalyKhối hắc diện thạch nằm trong số hàng hóa của một tàu chở hàng thời Đồ Đá mới, có thể được sử dụng để chế tạo công cụ sắc nhọn.
Nhóm thợ lặn thuộc đơn vị hoạt động dưới nước của Cảnh sát Naples, Italy, trục vớt một khối hắc diện thạch, còn gọi là đá vỏ chai hay thủy tinh núi lửa, từ xác một con tàu thời Đồ Đá mới (khoảng năm 7000 – 2000 trước Công nguyên) gần đảo Capri, Live Science hôm 22/11 đưa tin.
Khối đá thủy tinh tự nhiên này được trục vớt dưới đáy biển, ở độ sâu 30 – 40 m, hôm 20/11. Khối đá có kích thước bằng quyển sách lớn, nặng khoảng 8 kg. Bề mặt khối đá có những dấu vết đục đẽo thấy rõ. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là một lõi hắc diện thạch có thể sử dụng cho việc chế tạo những mảnh sắc nhọn để làm công cụ.
Nhóm thợ lặn phát hiện địa điểm tàu đắm này trong năm nay và thông báo vào tháng 10, nhưng không tiết lộ vị trí chính xác nhằm bảo vệ xác tàu khỏi những kẻ trộm. Lõi hắc diện thạch là đồ tạo tác đầu tiên được trục vớt từ xác tàu, nhưng các chuyên gia dự kiến phát hiện thêm nhiều khối đá tương tự trong khu vực.
Các nhà khảo cổ cho rằng khối đá mới trục vớt là một phần trong số hàng hóa của một tàu chở hàng hoạt động vào thời Đồ Đá mới, cách đây hơn 5.000 năm. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy con tàu vì gỗ thường đã phân hủy hết qua thời gian dài như vậy.
Xác tàu nằm ở vùng nước tương đối sâu khiến quá trình nghiên cứu và trục vớt gặp khó khăn, nhóm khảo cổ cho biết. Khối hắc diện thạch đang được bảo quản tại Naples và sẽ sớm được làm sạch, kiểm tra và bảo tồn.
Hắc diện thạch là khối thủy tinh đen được tìm thấy trong dung nham nguội. Nó nứt vỡ thành những mảnh có cạnh sắc và người cổ đại thường dùng chúng để làm công cụ đâm, cắt.
Các chuyên gia chưa rõ khối hắc diện thạch mới phát hiện có nguồn gốc từ đâu, nhưng trầm tích của loại đá này hiện diện trên một số đảo núi lửa ở Địa Trung Hải, bao gồm đảo Palmarola, gần Naples và đảo Lipari, gần Sicily. Nhà khảo cổ biển Sean Kingsley cho biết, khối đá có thể được dùng cho mục đích mua bán hoặc chế tạo các vật dụng nghi lễ, giống như những vật dụng thời Đồ Đá mới trong hang Grotta delle Felci, Capri.
Thu Thảo (Theo Live Science)