Đa dạng hóa sản xuất, chế tạo là hoạt động được các công ty Đức tại Việt Nam ưu tiên nhất với 42% doanh nghiệp có kế hoạch này.
Dựa trên các cuộc khảo sát, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) nói, hiện doanh nghiệp nước này có ý định đầu tư vào các cơ sở kinh doanh tại nước ngoài nhiều hơn thị trường nội địa.
Cơ quan này cũng cho biết để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trên nhiều thị trường. Trong đó, Việt Nam hiện được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn, được nhiều doanh nghiệp Đức tin tưởng.
Qua khảo sát, 42% công ty Đức tại Việt Nam cho biết ưu tiên đa dạng hóa sản xuất và chế tạo. Điều này cho thấy sự tập trung vào chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, việc bán hàng và tiếp thị, dịch vụ, logistics cũng được xem trọng, nhấn mạnh xu hướng đầu tư toàn diện.
10 tháng đầu năm nay, AHK đánh giá Đức đã tiến một bước mạnh mẽ trong việc củng cố sự hiện diện tại Việt Nam với 26 dự án đầu tư được thực hiện, tổng vốn gần 221,5 triệu USD.
Theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính lũy kế đến hết tháng 3 năm nay, Đức có 443 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18 trên 143 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn dự án và vốn đầu tư của Đức tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Hiện 26 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận FDI của Đức, chủ yếu là TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz, B.Braun, Messer…) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, các công ty Đức tại Việt Nam cũng phản ánh đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Trong đó, 49% doanh nghiệp cho biết nhu cầu toàn cầu suy giảm đang là một rào cản chính; 41% lo ngại về thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề; 37% doanh nghiệp nhấn mạnh nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có những thách thức đáng chú ý khác như chính sách phát triển kinh tế, chi phí năng lượng, và thách thức về tài chính.
Báo cáo cập nhật sáng 22/11 của World Bank cũng đánh giá hoạt động thu hút FDI của Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Theo đó, cam kết FDI lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 25,7 tỷ USD, cao hơn 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam. Vốn FDI thực hiện lũy kế đạt 18 tỷ USD, tăng 3,2% so với một năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI chính vào Việt Nam.
Vnexpress.net