Thanh Long trái vụ giá 33.000-43.000 đồng một kg nhưng nhà vườn không có để bán do sản lượng canh tác đã giảm một nửa sau thời gian lỗ kéo dài.
Gần cuối tháng 11, thời điểm cuối mùa thanh long chính vụ, đầu mùa nghịch vụ xông đèn, nhiều kho tại huyện Châu Thành (Long An) thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 đến loại 3 với giá 33.000-43.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, trái với cảnh thu hoạch nhộn nhịp những năm trước, năm nay phần lớn các diện tích thanh long của người dân đều trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
Anh Nguyễn Văn Phục, 40 tuổi, xã Thanh Phú Long, Châu Thành, có 3.000 m2 trồng thanh long ruột đỏ. Khi thanh long có giá trên 30.000 đồng một kg, mỗi năm 2,3 vụ xông đèn, gia đình anh thu hoạch khoảng 6 tấn quả trở lên, lãi mỗi năm thấp nhất cũng trên 100 triệu đồng.
Từ sau đại dịch, thanh long không xuất khẩu được khiến giá lao dốc, anh Phục cùng nhiều nhà vườn vì thế thua lỗ kéo dài. Một số nhà vườn không gánh nổi chi phí phân thuốc, sau đó phải phá bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác. Gia đình anh Phục vẫn cố gắng duy trì diện tích thanh long, tuy nhiên không xông đèn mà làm vụ thuận. Giá có thể thấp hơn nhưng anh giảm được nguy cơ thua lỗ.
“Từ đầu năm đến nay chỉ thu hoạch cầm chừng khoảng 2 tấn trái, bằng một phần ba những năm trước. Tính cả chi phí phân thuốc, công chăm sóc thì không có lãi”, anh Phục chia sẻ.
Ông Trương Văn An ở TP Tân An có 1,5 ha thanh long ruột đỏ đang chuẩn bị thu hoạch vụ xông đèn. Giá thu mua thanh long tại kho hiện khá cao, nhưng theo ông An, mùa này, đa số nhà vườn chỉ chăm sóc cầm chừng, không đủ dinh dưỡng nên trái thường chỉ đạt tiêu chuẩn loại 3,4.
“Ngoài ra, nhiều diện tích trái bị bệnh phải bán hàng dạt giá 7.000-8.000 đồng một ký, nên vụ này nhà vườn chỉ từ lãi ít đến thua lỗ”, ông An nói.
Long An có khoảng 12.000 ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành với tổng sản lượng gần 300.000 tấn một năm. Sau nhiều năm thua lỗ kéo dài do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều nông dân đồng loạt phá bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác, hiện diện tích chỉ có khoảng 9.000 ha.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết giá thanh long vụ này cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, sản lượng trái còn lại chỉ khoảng 200 – 300 tấn đổ về.
“Sau thua lỗ vì dịch bệnh, nhiều diện tích thanh long nhà vườn không chăm sóc, thiếu phân thuốc cộng với cây nhiễm bệnh. Sản lượng trái vì thế giảm còn phân nửa”, ông Trịnh nói.
Hiện các kho mỗi ngày chỉ thu mua tối đa khoảng 2, 3 tấn thanh long, nhiều kho không có nguồn hàng phải đóng cửa.
Cùng với Long An, Tiền Giang là địa phương có diện tích thanh long lớn ở miền Tây, khoảng 10.000 ha. Tuy nhiên, hai năm nay diện tích thanh long cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn 8.900 ha, tổng sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn.
“Giống tình trạng cây mít thái nhiều năm qua, là khi nào sản lượng thấp thì giá cao, nên thực tế người trồng thanh long vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Men nói.
Hoàng Nam