Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có mỏ đá trắng lớn nhất nước. Việc khai thác đá có thời điểm cung không đủ cầu, sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Đá trắng đắt đỏ được ví như “vàng trắng”, xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, rất nhiều doanh nghiệp khai thác đá phải đóng cửa mỏ, sản xuất ngưng trệ. Hàng hoá chất đầy kho, từ nhà xưởng ra đến các bãi tập kết. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chủ yếu để bảo trì máy móc và có doanh thu nuôi công nhân. Số đơn vị còn sản xuất đếm trên đầu ngón tay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết, toàn huyện có 79 mỏ khai thác đá được cấp phép còn hạn cho 64 doanh nghiệp.
Khó nhất là về nhiên liệu do vận chuyển khó khăn, chưa kể giá xăng dầu tăng mạnh cũng khiến lợi nhuận tụt giảm.
“Quy định siết chặt về xe vận chuyển quá khổ, quá tải của cơ quan chức năng làm tăng áp lực về chi phí vận chuyển hàng hoá đối với doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19 lại xảy ra chiến sự giữa Nga – Ukraine, Dải Gaza nên việc khai thác và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ, hàng nghìn lao động mất việc làm”, ông Lợi chia sẻ.
Trong số 79 mỏ khai thác đá ở địa phương, 43 đơn vị (hơn 50%) đã phải ngừng sản xuất; chỉ 4-5 đơn vị còn duy trì được hoạt động xuất khẩu.
“Có những doanh nghiệp sản xuất đá 2 năm nay nhưng không bán được, một số xuất khẩu được thì không có lãi vì chi phí tăng cao. Vì thế, nguồn thu ngân sách của huyện Quỳ Hợp năm nay tuy đạt được kế hoạch giao, nhưng giảm sâu so với năm 2022″, ông Lợi thông tin.
Ông M. – đại diện một doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trắng – chia sẻ, thị trường nhập khẩu đá trắng chủ yếu là các quốc gia theo đạo Hồi. Cả khi chưa có chiến sự, nhu cầu sử dụng loại đá này giảm mạnh. Đến nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu buộc phải dừng lại.
Theo ông M., nhu cầu bột đá công nghiệp giảm sâu, tiền thuế xuất khẩu cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể bán hàng. Ví như, giá 1 tấn bột đá siêu mịn hơn 400.000 đồng, trong khi phải chịu thuế xuất khẩu 25% và thuế tài nguyên 15%, cùng nhiều loại thuế khác. Do vậy, nhiều nhà máy ở Bangladesh chuyển sang mua hàng của Malaysia. Còn thị trường Quảng Tây (Trung Quốc) quay sang sử dụng hàng nội địa, không nhập khẩu nữa.
Vì thế, tại doanh nghiệp của ông, lượng sản xuất 10 tháng năm 2023 giảm đến 40% so với cùng kỳ. “Hàng trăm lao động buộc phải nghỉ luân phiên, thu nhập bị ảnh hưởng” – ông M. nói.
Một số hình ảnh khai thác cầm chừng của các doanh nghiệp ở Quỳ Hợp: