Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sáng ngày 21/11, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, Thành phố Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hoá.
Nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị…). Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế – xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số), các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị).
Đồng thời nghiên cứu hình thành 2 Thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội phát triển, văn hoá, đặc sắc, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.
Các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững”.
Trên cơ sở đó, ngay tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề lý luận trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô; Các yêu cầu thực tiễn cần chú trọng trong lập Quy hoạch Thủ đô; các điều kiện, giải pháp để thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô sau khi được phê duyệt theo quy định; các vấn đề về phân cấp, phân quyền; các giải pháp huy động nguồn lực…
Phát triển không gian đa chiều Hà Nội
Góp ý tại Hội thảo, PGS TS. Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, Hà Nội đã là Thành phố duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 15/12/2000, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thu đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010 xác định Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Với vị thế đó, Nghị quyết đặt ra cho Hà Nội những yêu cầu mới, có tính vượt trội; cũng là những quan điểm mới, đi trước so với cả nước. PGS TS. Nguyễn Ngọc Hà phân tích, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển, trong đó có nguồn lực về vị trí tự nhiên, văn hóa, con người. PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà lưu ý Hà Nội cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Từ việc phân tích những nét đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu triết lý phát triển Thủ đô với 5 mệnh đề, 20 chữ: “Phát sáng nhân tài – Khai phóng trí tuệ – Lan toả nhân văn – Hoà điệu tự nhiên – Tiến cùng thời đại”. Triết lý này cần được thể hiện, quán triệt trong toàn bộ quá trình lập và triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô.
Liên quan đến đề xuất cần “trao quyền” nhiều hơn nữa cho Hà Nội, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nhiệm vụ bây giờ là khẩn trương thiết kế các cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” cụ thể để thực hiện nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị”. Các cơ chế, chính sách cho Thủ đô phải bảo đảm cho Hà Nội “có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
TS Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nhấn mạnh tới việc chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô trong công tác Quy hoạch Thủ đô. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, một cách tiếp cận của quản lý đô thị là hướng tới cảm giác hạnh phúc của người dân thông qua gia tăng sự yêu mến và gắn bó của họ với đô thị nơi họ sống. Các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng các công cụ để gắn kết mối quan hệ giữa người dân với từng bộ phận và hoạt động của đô thị, như di tích lịch sử, danh thắng, quán ăn, hiệu sách, khung cảnh phố phường… cho tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày như cư ngụ, vui chơi và làm việc…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đóng góp ý kiến về tầm quan trọng của quy hoạch sông Hồng; phát triển Hà Nội theo nhiều chiều không gian; quy hoạch về giao thông, môi trường, cũng cần được chú trọng…
Cập nhật xu thế phát triển và đảm bảo tính khả thi
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, nhà khoa học đã tâm huyết, dành sự quan tâm đến vấn đề rất quan trọng đó là Quy hoạch Thủ đô và khẳng định, đây chính là tình cảm, trách nhiệm của các đại biểu, các nhà khoa học đã dành cho Hà Nội với tinh thần “Vì Thủ đô ta”.
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, Quy hoạch Thủ đô là công việc lớn. Hiện nay, Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn để cụ thể Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngay từ Nghị quyết 15- NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với tư duy rất mới với đánh giá, nhìn nhận, giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nêu ý kiến về cạnh tranh quốc tế. Nghị quyết 15- NQ/TW cũng nêu là phải có khả năng cạnh tranh với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội phải trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu.
“Hà Nội cũng nhận định là phải vươn ra thế giới, tư tưởng này được Thành phố xác định xuyên suốt”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khác nhau, nhiều cuộc tư vấn của chuyên gia ở các góc độ khác nhau. Trước hội thảo này, Hà Nội đã có cuộc hội thảo với gần 180 trường Đại học trên địa bàn Thủ đô về Quy hoạch Thủ đô và tranh thủ được nhiều ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn hàng đầu. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, tham luận của hội thảo. Những nội dung tại Hội thảo đã gợi mở hướng tiếp cận những vấn đề cụ thể cần tiếp tục được nghiên cứu.
“Vấn đề quy hoạch Hà Nội không chỉ trong hội thảo hôm nay mà sẽ được tiến hành song song với quy hoạch này cũng là để cập nhật bổ sung thông tin giúp cho điều chỉnh Quy hoạch chung 1259/QĐ-TTg về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt để góp thêm thông tin, căn cứ vào xây dựng Luật Thủ đô”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và khẳng định, việc tham gia của các nhà khoa học là rất đáng quý.
Thành phố mong muốn các nhà khoa học hàng đầu cả nước sẽ tiếp tục tham gia đóng góp cho Hà Nội để chúng ta có bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại, đảm bảo tính khả thi.