CẦN QUAN TÂM CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP
Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 dự kiến 4 môn. Trong đó, 2 môn toán và ngữ văn bắt buộc; 2 môn học sinh (HS) lựa chọn trong các môn: ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Như vậy, về số môn thi và việc HS biết trước môn thi của mình sẽ dự thi là hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây) và yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không là kiến thức, kỹ năng như trước đây. Vì vậy, cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, tuyển sinh ĐH ở một tầm cao mới.
Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu phát triển HS theo phẩm chất và năng lực. GDPT chia làm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Ở cấp THPT, HS được phân hóa theo năng khiếu, định hướng nghề nghiệp bằng hình thức tự chọn bằng nhiều tổ hợp. Ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp), HS được chọn thêm 4 môn trong số các môn (địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật, mỹ thuật, âm nhạc).
Điều này đòi hỏi HS phải biết được khả năng, năng lực, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp phù hợp với mình trong tương lai để chọn các môn học và môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Vì vậy, công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS, THPT rất quan trọng, bao gồm hướng học và hướng nghiệp.
Trong đó, hướng học là giúp người học hình thành xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp nhất với từng cá nhân HS. Hướng nghiệp là giúp người học có khả năng đánh giá bản thân để chọn ngành, nghề phù hợp sau này.
KHÔNG COI TRỌNG MÔN NÀY, NHẸ MÔN KIA
Cần khẳng định vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của HS là như nhau, không có môn chính, môn phụ. Một số môn công cụ như toán, văn, ngoại ngữ hay môn lịch sử có vai trò lớn trong giáo dục lòng yêu nước, là những môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thành công của nhiều HS khi ra đời có thể ở các môn học khác chứ không chỉ là các môn học bắt buộc.
Nhà trường phải chú trọng dạy và học tất cả các môn, không coi trọng môn này, nhẹ môn kia. Thực tế có gần 40% HS dự thi tốt nghiệp với mục đích xét tốt nghiệp, do đó các môn như công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học… rất cần thiết cho những HS tham gia học nghề hay trực tiếp lao động sau THPT.
THAY ĐỔI CÁCH TUYỂN SINH ĐẠI HỌC
Việc tuyển sinh ĐH từ năm 2025 phải thay đổi so với hiện nay. Một mặt, tăng cường thi đánh giá năng lực, mặt khác xây dựng các tổ hợp mới có các môn như tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật; hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện, ít nhất là kết quả của 4 hoặc 5 học kỳ THPT. Các tổ hợp môn có ngoại ngữ hay lịch sử cần tăng chỉ tiêu, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…
Đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá tất cả các môn học. Đổi mới quan điểm về học. Học không phải để đối phó thầy cô hay học để thi (thi gì học nấy) mà học để phát triển phẩm chất năng lực, học để làm người, học để cạnh tranh việc làm với trí tuệ nhân tạo, đã và đang thay thế nhiều ngành nghề. Môn ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, để nước ta tham gia hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, nên chú trọng phát triển cho HS cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, theo chuẩn kỹ năng 6 bậc của VN. Chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn của VN cần được ưu tiên trong tuyển sinh ĐH như chứng chỉ quốc tế, để việc dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông có thể cạnh tranh với các trung tâm dạy chứng chỉ quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ dạy và học môn lịch sử chứ không nên chủ quan, là môn học bắt buộc nên dạy thế nào HS cũng phải học.
Thi 4 môn theo ban cách đây hơn 40 năm
Phương thức thi tốt nghiệp THPT 4 môn đã áp dụng ở nước ta từ lâu. Sau năm 1975, ở miền Nam thực hiện giáo dục hệ 12 năm, cấp 3 (THPT) phân ban. Theo đó, HS được chọn một trong 4 ban sau: Ban A (văn – sử – địa), Ban B (văn – ngoại ngữ), Ban C (toán – lý), Ban Đ (hóa – sinh). HS các ban đều học tất cả các môn, nhưng nội dung kiến thức và thời lượng học từng môn là khác nhau, tùy theo ban.
Việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn theo từng ban. Ban A (thi 4 môn: toán, văn, sử, địa); ban B (toán, văn, ngoại ngữ, sử), ban C (toán, văn, lý, hóa), ban Đ (toán, văn, hóa, sinh). Hai môn toán, văn tất cả các ban đều thi nhưng mức độ đề thi khó dễ khác nhau tùy theo ban.
Việc thi tốt nghiệp 4 môn thi ở miền Nam như trên thực hiện trong giai đoạn 1976 – 1980. Sau thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH theo 3 khối: A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa). Nổi bật thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn này là coi thi và chấm thi rất nghiêm túc, không có dạy thêm, học thêm, nhà trường chỉ thực hiện ôn tập thi cho HS một số buổi. Đến lớp 12, HS đã biết trước và chuẩn bị tập trung nhiều hơn cho các môn thi tốt nghiệp, thi ĐH (nếu đăng ký dự thi). Đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH đều dạng tự luận, các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoài phần lý thuyết có thêm phần giải toán.
Hạn chế trong việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn giai đoạn 1976 – 1980 là hình thức đề thi tự luận, nặng về kiểm tra kiến thức nên HS thường phải học thuộc lòng, có khi phải học thuộc sách giáo khoa lớp 12, theo phương thức tụng bài. Một số HS ban C (thi tốt nghiệp toán, văn, lý, hóa), nhưng thi đại học khối B (toán, hóa, sinh), ngược lại có bạn ban Đ (toán, văn, hóa, sinh) nhưng lại thi ĐH khối A (toán, lý, hóa), là do chọn ban sai.
Để tránh tình trạng học lệch
Việc Bộ GD-ĐT đề xuất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn, hầu hết giáo viên thấy hợp lý, song vẫn mong Bộ tính toán một số điểm.
Thăm dò ý kiến HS khối lớp 11, lứa đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới từ năm sau, chúng tôi thấy hầu hết các em đều nhất trí với phương án ít môn. Hiện tại các em đã và đang học theo tổ hợp môn tự chọn với định hướng nghề nghiệp theo Chương trình GDPT 2018. Nên việc các em mong muốn thi ít môn, trong đó chủ yếu là những môn theo hướng lựa chọn của các em là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, với phương án thi 4 môn, về lâu dài sẽ có những hệ lụy kéo theo. Đó là việc HS sẽ học lệch ngay từ khi đăng ký vào lớp 10. Tình trạng quá chú trọng môn này mà xem nhẹ môn khác là khó tránh khỏi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có nên xét điều kiện tốt nghiệp dựa trên điểm số học bạ như thế nào? Tỷ lệ giữa học bạ và điểm thi ra sao?
Việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ sẽ làm giảm một phần động lực của HS khi học môn này. Vậy Bộ cần có cách khuyến khích HS.
Hiện nay các địa phương, các trường sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Thậm chí có trường học tài liệu riêng của mình biên soạn. Điều này đòi hỏi sự chính xác và công tâm của Bộ GD-ĐT trong khâu ra đề. Đề thi sẽ bám sát yêu cầu cần đạt như thế nào? Ai sẽ là người tham gia khâu làm đề?…
Ngọc Tuấn