Không điện, nước, sóng điện thoại, làng Sảo Há nằm giữa rừng già Vần Chải hoang vu, hẻo lánh, là bối cảnh của bộ phim kinh dị ăn khách “Tết ở làng địa ngục”.
Làng Sảo Há thuộc thôn Khó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn là nơi sinh sống của người Mông, nằm giữa khu rừng già Vần Chải. Ngôi làng là bối cảnh của bộ phim “Tết ở làng địa ngục” khởi chiếu cuối tháng 10 và “Kẻ ăn hồn” – bộ phim tiếp nối, ra mắt vào tháng 12.
“Tết ở làng địa ngục” là bộ phim truyền hình kinh dị cổ trang của Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Nội dung xoay quanh ngôi làng biệt lập nằm sâu trong rừng có tên là “làng địa ngục”, nơi ẩn dật của hậu duệ của một băng cướp khét tiếng. Do tội ác của ông cha ngày trước, người dân làng gặp phải những chuyện kỳ dị xảy ra vào đúng dịp Tết âm lịch.
Không điện, không nước, không sóng điện thoại, ngôi làng, mang cảm giác hoang vu, trầm uất, phù hợp với không khí của bộ phim, anh Giàng A Phớn, Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Giang, đến trải nghiệm làng vào ngày 9/11 nhận xét.
Từ huyện Yên Minh, anh Phớn đi qua con đèo dài gần 17 km với những khúc cua tay áo và dốc dài. Đến chân dốc Thẩm Mã đi thêm khoảng 4 km để tới xã Vần Chải.
Để đến được làng Sảo Há nằm sâu trong rừng, du khách có thể di chuyển bằng xe máy trên quãng đường dài khoảng hai km, với nhiều dốc cua nguy hiểm. Nếu đi bộ, du khách sẽ mất khoảng từ 30 phút đến một giờ tùy tốc độ đi. “Đường vào Sảo Há là đường mòn, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn dốc ngược, cần có tay lái vững”, anh Phớn nói. Con đường xuyên qua một khu rừng và một ngôi miếu thờ thần rừng. Anh được những người già trong làng dặn không gọi tên nhau trong rừng để tránh những thứ không tốt bám theo.
Theo tiếng Mông, Sảo Há có nghĩa là “thung lũng trên cao”, nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Đường đến làng thường xuyên có sương mù bao phủ, đặc biệt vào mùa đông. Đây cũng là con đường xuất hiện nhiều lần trong bộ phim “Tết ở làng địa ngục”, khi nhân vật Thập – trưởng làng mang hàng hóa xuống núi bán và trở về.
Đặc trưng của làng Sảo Há là những hàng rào xếp bằng đá cao khoảng 1,5 m. Những viên đá xếp khít nhau, dù không có vật liệu kết dính nhưng vững chắc, qua hàng chục năm không bị đổ, đã phủ đầy rêu xanh.
Trong thôn có 22 hộ dân người Mông đều mang họ Vàng, sống thành một khu. Những nếp nhà trình tường (tường nhà đắp bằng đất), lợp mái âm dương nằm thành cụm, được bao bọc bởi khu rừng cổ thụ nguyên sinh rộng khoảng 500 ha.
Do địa thế hiểm trở, người dân trong làng sống theo phương thức tự cung tự cấp. Xung quanh làng, người dân trồng cây lanh để làm nguyên liệu dệt vải thủ công.
Trồng ngô là công việc truyền thống và phổ biến của cư dân sống ở cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và người dân làng Sảo Há nói riêng. Món ăn chính của họ là mèn mén (cơm ngô).
Những người lớn đi làm nương, rẫy ở xa từ sáng và trở về lúc chiều tối. Ban ngày, ngôi làng khá vắng vẻ, chỉ thấy vài đứa trẻ chơi đùa hoặc đang chăn thả gia súc trên đường, anh Phớn nói.
Đến với thôn Khó Chớ, du khách sẽ được nghe kể về một tích xưa liên quan đến Hang Phỉ. Khoảng năm 1957 – 1958, Vàng Vạn Ly là thủ lĩnh nhóm thổ phỉ (những kẻ cướp bóc ở địa phương) có tiếng, nổi dậy chống phá chính quyền. Khi thất bại, Vàng Vạn Ly cùng các con trốn vào một hang núi thuộc địa phận xã Vần Chải.
Sau khi Vàng Vạn Ly được vận động ra đầu thú, cuộc sống của người dân nơi đây yên bình trở lại. Hang Phỉ hiện tại được cho là nơi Vàng Vạn Ly ẩn nấp.
Bên cạnh khu rừng cổ thụ nguyên sinh và Hang Phỉ, Sảo Há còn có rừng trúc, nhà cổ, miếu Sảo Há để du khách tham quan. Hiện ở làng chưa có dịch vụ du lịch, một số đoàn khách lựa chọn cắm trại ở rừng trúc, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh giữa thiên nhiên.
Sảo Há đẹp nhất là vào mùa xuân khi những cây hoa đào nở rộ, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng.
Một số công ty lữ hành đã có các chuyến khảo sát, dự định xây dựng tour du lịch trải nghiệm nối Vần Chải với các xã lân cận. Tuy nhiên, đường giao thông từ trung tâm xã vào thôn rộng chỉ khoảng một mét, vừa đủ để hai xe máy tránh nhau là điểm nghẽn lớn nhất. Do nằm trên cao, việc thường xuyên thiếu nước cũng là một điểm hạn chế sự phát triển du lịch của xã.
Cùng với sự phát triển, một số nét văn hóa truyền thống như nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá có xu hướng bị mai một, thay thế bằng bê tông. Vì vậy, chính quyền huyện Đồng Văn đã có những kế hoạch đưa Khó Chớ và cụ thể là nhóm hộ Sảo Há vào danh sách các thôn cần được bảo tồn giá trị truyền thống và khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên du lịch, theo trang thông tin điện tử huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.