Tham gia vào chương trình đối thoại giữa người nghèo, cận nghèo với các ngành chức năng do Sở LĐ-TB&XH tổ chức, bà Trương Thị Lan (65 tuổi) ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (Bình Sơn) mang theo nhiều mong muốn.
Bà Lan có sức khỏe yếu, kinh tế gia đình đều nhờ vào người chồng. Nhưng năm vừa qua, chồng bà phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, các con bà đều đã lớn và đi làm ăn xa không phụ giúp gì được cho cha mẹ. “Thời gian qua vợ chồng tôi sức khỏe ngày càng sa sút nên việc làm cũng vì thế mà không có nhiều, thu nhập không ổn định. Gia đình cứ liên tiếp “rơi” vào danh sách hộ nghèo là vì thế”, bà Lan bày tỏ.
Năm nay, bà Lan đặt quyết tâm sẽ thoát nghèo. Để thực hiện được mục tiêu đó, bà tham gia buổi đối thoại nhằm chia sẻ nguyện vọng được vay vốn để chăn nuôi hoặc mong muốn được hỗ trợ học nghề phù hợp để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế cho gia đình. Tại buổi đối thoại, không những được khích lệ, động viên, nghe chia sẻ những mô hình kinh tế hiệu quả, bà Lan còn được đại diện ngành chức năng hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện các thủ tục tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và cách tham gia các lớp đào tạo nghề dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài bà Lan, người dân xã Bình Châu cũng nêu lên nhiều mong muốn như được hỗ trợ vốn để đầu tư cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, mong được hỗ trợ nhà ở, chế độ chính sách dành cho hộ nghèo bị bệnh hiểm nghèo…
Còn tại xã Sơn Hạ (Sơn Hà), tại buổi đối thoại nhiều người dân cho rằng chăn nuôi, trồng trọt là thế mạnh của địa phương, vì vậy cần quan tâm mở các lớp đào tạo các nghề liên quan để giúp người dân có kiến thức cơ bản để phát triển đàn gia súc, gia cầm, xây dựng kinh tế vườn rừng. Đồng thời, nhiều vấn đền liên quan đến các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH… cũng được các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Sơn Hạ đặt câu hỏi.
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người nghèo, cận nghèo quan tâm, tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước, của tỉnh, từ đó tiếp cận với các chính sách phù hợp để vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo khi đến với cuộc đối thoại đều bày tỏ quyết tâm thoát nghèo. Đồng thời, họ cũng mong muốn được tạo “lực đẩy” bằng những chính sách phù hợp với điều kiện của gia đình.
Với mỗi câu hỏi cụ thể, người nghèo, cận nghèo đều được đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng trả lời cụ thể, thỏa đáng. Không những được cung cấp những thông tin cần thiết, mà qua các buổi tiếp xúc trực tiếp, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các ngành chức năng đối với hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh, một lý do để khó thoát được nghèo, song người nghèo đều đã thể hiện được khát vọng, quyết tâm thoát nghèo. Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức của người nghèo, cận nghèo đã cho thấy hiệu quả của chương trình đối thoại này.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo là một hoạt động được tỉnh thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Qua đối thoại, các cơ quan liên quan và địa phương hiểu hơn về điều kiện hoàn cảnh và nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo. Những vấn đề khó khăn phát sinh từ thực tế khi triển khai thực hiện chính sách. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách. Tham mưu các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo nguồn lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.