Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Công Nguyên, (70 tuổi, dân tộc Mường) – Già làng bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
PV: Xin ông chia sẻ những ấn tượng, cảm nhận của bản thân về mảnh đất, con người Chiềng Khoa nói chung và bản Chiềng Lè nói riêng?
Già làng Đinh Công Nguyên:
Xã Chiềng Khoa nằm cách trung tâm huyện Vân Hồ khoảng 20km. Trước đây, toàn xã có 13 bản, sau sáp nhập hiện còn 7 bản, trong đó, có 6 bản là đồng bào dân tộc thiểu số với 4 dân tộc anh em cùng chung sống.
Cá nhân tôi, nguyên quán ở Hoà Bình, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Chiềng Khoa, đến nay đã 70 năm. Trong những năm tháng sinh sống, làm việc ở Chiềng Khoa, điều tôi tâm đắc, gắn bó nhất chính là tình cảm với mảnh đất, con người Chiềng Khoa, luôn hài hoà, nhân ái, giản dị, hiếu khách.
Không chỉ thế, Chiềng Khoa còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như thác Nàng Tiên, thác 7 tầng, các lễ hội như Lễ hội Hoa ban, đền thờ 2 nàng tiên gắn với sự tích thác nàng Tiên… Quang cảnh hùng vỹ, đẹp đẽ ấy và 2 nhà máy thuỷ điện Suối Tân 1 – Suối Tân 2 chính là nguồn lực, tạo động lực cho cán bộ, nhân dân Chiềng Khoa nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội.
Chiềng Lè là nơi tôi đang sinh sống, đây là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Khoa, nằm cách trung tâm xã 6km. Gắn bó với Chiềng Lè, với Chiềng Khoa cả cuộc đời, tôi luôn yêu quý mảnh đất này và mong đời sống bà con ngày một khởi sắc đi lên. Để giữ gìn bản sắc văn hoá và tài nguyên thiên nhiên đó, môi trường là yếu tố đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, người dân chúng tôi luôn nêu cao ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên để phát triển hài hoà, bền vững.
PV: Những năm qua, việc phát huy vai trò già làng, trưởng bản chung tay cùng chính quyền địa phương gìn giữ, bảo vệ tài nguyên, môi trường đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Già làng Đinh Công Nguyên:
Cách đây 4 năm, tháng 12 năm 2019, Chiềng Khoa là xã đầu tiên của huyện Vân Hồ được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí trước 1 năm so với lộ trình đã đề ra. Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm cao độ từ cấp huyện đến xã, bản và mỗi người dân.
Trong thành công ấy, tôi thấy rằng, chính quyền từ huyện đến xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, tin, nghe theo và làm theo. Chúng tôi cũng xác định và phát huy vai trò người già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng chung tay thực hiện công tác tuyên truyền đến bà con giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, không tác động xấu vào tự nhiên, giữ rừng, bảo vệ môi trường.
Người dân đều biết và ý thức được ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chủ động hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi.
Tại các bản thường xuyên vận động nhân dân ra quân hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung, nhất là các khu vực thác đón khách du lịch. Công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi được quan tâm, triển khai rộng khắp trong nhân dân, không còn hiện tượng vứt, xả rác bừa bãi.
Không chỉ thế, bà con còn bảo nhau trồng rừng, trồng cây xanh để tạo bóng mát, cảnh quan cho đường làng, ngõ xóm, xung quanh khu nhà ở… Tuyên truyền đến với du khách chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Chủ động học tập, chuyển đổi các diện tích ngô, sắn cho hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây ăn quả trên đất dốc có giá trị cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm; đường liên xã, liên bản, các công trình trường học, trạm y tế… được đầu tư xây mới. Đã góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn sáng xanh sạch đẹp, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
PV: Thời gian tới, để tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, với vai trò của mình, ông đã có những định hướng cụ thể nào, thưa ông?
Già làng Đinh Công Nguyên:
Già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là cánh tay tiếp sức, nối dài của chính sách cho lãnh đạo từ xã đến bản. Già làng, trưởng bản, người có uy tín là nhân tố củng cố khối đại đoàn kết, cùng các đồng chí lãnh đạo xã, bản nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, để đưa các chủ trương, chính sách về với đồng bào.
Bởi thế, tôi luôn xác định rõ trách nhiệm, vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động của mình. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong, đi đầu trong các phong trào, thường xuyên, tích cực tham gia các cuộc họp của xã, bản, tìm hiểu thêm thông tin qua sách báo, ti vi, các phương tiện truyền thông khác để kịp thời nắm bắt được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, trong đó có công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Từ đó, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, phải làm thế nào, nói thế nào cho người dân dễ nghe, dễ hiểu, tin tưởng và làm theo. Chung tay cùng các cấp chính quyền nỗ lực vì một Chiềng Khoa sáng xanh sạch đẹp và phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn ông!