Như Lao Động đã thông tin, trong số 86 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố, bị can Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.
Trong số này, CTCP Cao su Công nghiệp (Công ty Cao su Công nghiệp, UPCoM: IRC) là đơn vị duy nhất niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, từ đó hé lộ quỹ đất khủng doanh nghiệp này sở hữu.
Theo bản công bố thông tin được Công ty Cao su Công nghiệp công bố vào cuối năm 2017, tổng diện tích đất Công ty đang quản lý theo hồ sơ pháp lý (trước cổ phần hóa) là 11.146.541,8m2 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Cụ thể, tại Đồng Nai tổng diện tích pháp lý Công ty Cao su Công nghiệp đang sở hữu đạt 9.960.574m2. Trong đó, diện tích công ty đang quản lý sử dụng 8.948.103,2m2. Bao gồm, thuê trực tiếp từ nhà nước trả tiền hàng năm 8.483.757,5m2 và thuê lại của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai chưa ký hợp đồng và chưa trả tiền 464.345,7m2. Đất không sử dụng đề nghị trả về địa phương 1.012.470,8m2.
Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Công văn số 1577/UBND-CNN ngày 24.2.2017 phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty Cao su Công nghiệp, diện tích đất sử dụng sau cổ phần hóa là 848,37 ha với hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm và bàn giao về địa phương quản lý 101,25ha.
Trong khi đó, toàn bộ diện tích Công ty Cao su Công nghiệp đang quản lý và sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 1.185.967,8m2 được nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm đã có quyết định và hợp đồng thuê đất thời hạn 30 năm, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã nộp và thanh quyết toán toàn bộ tiền thuê đất hàng năm.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty Cao su Công nghiệp, tính đến ngày 30.9.2023, tổng tài sản công ty đạt 185 tỉ đồng, giảm khoảng 10 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Nợ phải trả Công ty Cao su Công nghiệp xấp xỉ 11 tỉ đồng, biến động không đáng kể sau 9 tháng. Đáng chú ý khi doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
Vốn chủ sở hữu Công ty Cao su Công nghiệp đạt 175 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella đang sở hữu 7,50% vốn của Công ty Cao su Công nghiệp.
Kết thúc 9 tháng đầu năm qua, Công ty Cao su Công nghiệp đưa về gần 11 tỉ đồng doanh thu, thế nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 6 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi gần 16 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, tổng cộng 1.000 tỉ đồng, thông qua ba hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC), mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, liên quan đến Công ty Cao su Công nghiệp tiền thân là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước nhưng sau đó cổ phần hóa từ năm 2017-2018. Ông Trí sở hữu hơn 30% vốn điều lệ.
Theo kết luận điều tra, tháng 12.2017, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Lan 65% vốn điều lệ với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán 21,25 triệu USD (gần 500 tỉ đồng) để mua toàn bộ 30% vốn điều lệ Trí đang sở hữu tại Công ty Cao su Công nghiệp.
Nhằm hợp thức hóa, bị can Trí chỉ đạo những người đứng tên hộ ký hợp đồng ủy thác đầu tư để chuyển toàn bộ cổ phần cho bà Lan thông qua người đại diện, không ghi giá chuyển nhượng.
Song việc ủy thác đầu tư này thực chất là mua bán cổ phần chưa được chuyển nhượng. Hợp đồng ủy thác là thỏa thuận cá nhân giữa ông Trí và bà Lan, không báo cáo Công ty Cao su Công nghiệp. Tất cả tiền đều do bà Lan bỏ ra.