TP HCMChị Liên, 45 tuổi, tức ở hông trái, đau bụng, bác sĩ phát hiện u ác tính 10 cm ở tuyến thượng thận trái, kích thước tương đương một quả thận.
Chị Liên, Việt kiều Mỹ, có bệnh nền mỡ máu, viêm cột sống dính khớp, từng cắt túi mật, thường về Việt Nam để khám sức khỏe định kỳ. Khoảng nửa năm nay, chị hay đau bụng lúc 3-4h sáng, mất ngủ, bác sĩ chẩn đoán bệnh đường ruột, dùng thuốc không bớt.
Gần đây, chị được chẩn đoán có khối u ở thượng thận trái tại một bệnh viện khác, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra lại. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy lõi (tủy) tuyến thượng thận bên trái có khối u đường kính 10 cm, tương đương kích thước một quả thận.
Ngày 20/11, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, cho biết đây là trường hợp ít gặp. Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết kích thước nhỏ, hình tam giác, nằm sát cực trên của thận. U tủy thượng thận thường khiến các chất nội tiết của tuyến này tăng tiết bất thường, gây ra triệu chứng đặc trưng như tăng huyết áp, béo phì, rậm lông… Trường hợp chị Liên, xét nghiệm cho thấy rối loạn nội tiết rất nhiều nhưng không có các biểu hiện lâm sàng nên khó phát hiện bệnh.
Chị và gia đình quyết định điều trị ở Việt Nam thay vì về Mỹ. “Tôi tin tưởng tay nghề của các bác sĩ, một phần vì chi phí điều trị trong nước thấp hơn nhiều so với Mỹ”, chị nói.
Để ngăn nguy cơ u xuất huyết hoặc chèn ép làm tổn thương các cơ quan khác, bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt bỏ tuyến thượng thận trái. Thách thức với ê kíp mổ là khối u quá lớn. Phẫu thuật nội soi thường chỉ thực hiện với u dưới 6 cm.
“Y văn thế giới ít có trường hợp u tuyến thượng thận trên 10 cm được lấy ra trọn vẹn bằng nội soi, thường phải kết hợp mổ mở”, bác sĩ Đức nói, thêm rằng thực hiện toàn bộ cuộc mổ nội soi sẽ tốt hơn, người bệnh ít đau, hồi phục nhanh, giảm biến chứng liệt ruột hơn so với mổ mở.
Các mạch máu tăng sinh nuôi u chằng chịt. Mổ nội soi giúp các phẫu thuật viên nhìn rõ từng mạch máu của khối u, chủ động cầm máu triệt để từ đầu, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt. Các bác sĩ quyết định mổ nội soi, nếu thất bại phải mổ mở.
Nguy cơ khác là thao tác bóc tách khối u dễ gây tăng huyết áp kịch phát dẫn tới đột quỵ. Để kiểm soát huyết áp và tình trạng mất máu, bác sĩ Gây mê – Hồi sức tính toán kỹ lượng thuốc mê phù hợp, theo dõi chặt chẽ suốt cuộc mổ.
Hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K hỗ trợ bác sĩ bóc tách khối u ra khỏi các cơ quan xung quanh mà không làm tổn thương các tạng lân cận như thận, lách và tụy. Sau hơn ba giờ, khối u được lấy trọn vẹn ra ngoài thông qua một đường rạch nhỏ trên thành bụng.
Ba ngày sau mổ, chị Liên có thể vận động nhẹ nhàng, ít đau, được xuất viện. Bác sĩ cho biết tuyến thượng thận bên phải tăng tiết các chất nội tiết để bù trừ cho tuyến bên trái đã cắt bỏ. Đa số người bệnh không bị suy tuyến thượng thận, song cần theo dõi sát với bác sĩ nội tiết để có thể bổ sung thêm nếu các chất nội tiết thiếu hụt.
Kết quả giải phẫu khối u ác tính, chưa xâm lấn hay di căn sang các cơ quan khác nhưng khả năng tái phát tại chỗ cao. Hiện phương pháp điều trị chủ lực của ung thư tuyến thượng thận là phẫu thuật. Người bệnh cần theo dõi tích cực để phát hiện sớm và phẫu thuật lại khi u tái phát.
Theo bác sĩ Đức, ung thư chỉ chiếm khoảng 10% trường hợp u tuyến thượng thận. Các khối u có kích thước từ 4 cm trở lên có khuynh hướng ác tính cao hơn. Chẩn đoán bệnh không khó, nhưng cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ nhân viên y tế tay nghề cao, nhất là siêu âm kỹ lưỡng để không bỏ sót dấu hiệu bất thường. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư tuyến thượng thận nên rất khó để phòng ngừa. Điều trị khi u còn nhỏ tiên lượng tốt hơn, phẫu thuật đơn giản và an toàn hơn cho người bệnh.
Anh Thư