Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa ký ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Thông tư này ban hành do mức lương cơ sở được Chính phủ điều chỉnh từ 1/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Bộ Y tế cho biết mức giá này được áp dụng từ ngày 17/11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế.
Theo đó, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108) tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng. Trạm Y tế xã cũng thay đổi giá khám bệnh từ 27.500 lên 30.100 đồng. Mức tăng ở các hạng bệnh viện chỉ từ 2.600-3.400 đồng.
Các bệnh viện còn lại gồm:
Giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc cũng có sự thay đổi.
Với giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu cũng ghi nhận mức tăng theo từng hạng bệnh viện. Đơn cử, ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)…
Ngày giường bệnh nội khoa loại 1 gồm các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Lão, Nhi, Tiêu hoá, Thận học, Nội tiết…, mức tăng từ 21.000 đến gần 31.000 đồng.
Trong đó, giá ngày giường nội khoa cao nhất là ở hạng đặc biệt và các bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế ở Hà Nội, TP.HCM (như Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phụ sản Trung ương, Da liễu Trung ương…) là 273.100 đồng tại các bệnh viện hạng I là 255.300 đồng; bệnh viện hạng II là 212.600 đồng.
Giá xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Trong đó siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng.
Dự kiến năm 2024 tiếp tục tăng viện phí
Bộ Y tế hồi tháng 7 trong văn bản phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành, đối với lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh, cho biết nếu điều chỉnh viện phí theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, tỷ lệ tăng bình quân của giá khám chữa bệnh là 5%.
Về tác động của điều chỉnh này, Bộ Y tế cho biết với các nhóm đối tượng có thẻ BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%, sẽ “không bị ảnh hưởng”. Với các đối tượng phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoản tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn hôm 16/11 cho biết, Bộ Y tế dự kiến sẽ tăng viện phí theo lộ trình, trong đó năm 2024 đưa thêm “chi phí quản lý” vào cấu phần giá, sang năm 2025 sẽ đưa yếu tố thứ 4 là “khấu hao thiết bị” vào giá khám chữa bệnh.
“Đây là dự kiến, còn cụ thể thì phải có tính tổng thể trên cơ sở CPI từng năm và quyết định của Chính phủ”, ông Thuấn cho biết.
Hiện giá khám chữa bệnh theo Thông tư 22 được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám chữa bệnh. Trong đó, chi phí trực tiếp gồm: Quần áo, mũ, khẩu trang, ga gối đệm, bông băng gạc cồn; điện, nước, chi phí vệ sinh; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị…
Chi phí tiền lương gồm: Tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp do Nhà nước quy định; phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quyết định của Thủ tướng…