– Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đây cũng là yếu tố căn bản để xây dựng, phát huy “sức mạnh mềm” của dân tộc. Hòa chung với dòng chảy văn hóa Việt Nam, Lạng Sơn được biết đến là vùng đất của những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Thời gian qua, các cấp, ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh
Sức mạnh mềm của văn hóa là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh mềm của văn hóa bao gồm sức mạnh của những giá trị văn hóa tinh thần và sức mạnh của những giá trị văn hóa vật thể. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Để phát huy “Sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, trước hết cần quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) dân tộc. Tôn tạo và phát huy giá trị các DSVH và di sản thiên nhiên là con đường ngắn nhất để lan tỏa “Sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng sẽ tạo ra nguồn lực như những “cú hích” trực tiếp cho phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ ở nhiều địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu tham quan gian trưng bày chuyên đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”
Ảnh: TUYẾT MAI
Đứng trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá, thì việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đất nước cường thịnh.
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực khơi dậy, phát huy “sức mạnh mềm” nội sinh. Cụ thể, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, ngày 31/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo và Kết luận số 28-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25. Căn cứ mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nghị quyết đề ra, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Nhìn vào bức tranh chung về văn hóa các dân tộc, Xứ Lạng có những DSVH phi vật thể vô cùng đặc sắc và đa dạng như: các làn điệu dân ca then, sli, lượn, múa sư tử mèo; các làng nghề thủ công truyền thống. Lạng Sơn hiện có 8 DSVH phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia; 1 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng). Song song với đó, hệ thống di sản vật thể của tỉnh vô cùng đa dạng, phong phú. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh.
Cùng với đó, Lạng Sơn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống… Những di sản này không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Xứ Lạng. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh chứa đựng những giá trị to lớn mà tỉnh Lạng Sơn sở hữu, nếu phát huy tốt thì sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành
Với tiềm năng sẵn có và nhận thức đúng đắn về vai trò của các giá trị truyền thống đối với đời sống đương đại, thời gian qua, ngành văn hóa của tỉnh đã bám sát kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để cụ thể hóa, đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc bảo tồn, phát huy di sản nói riêng và lan toả “sức mạnh mềm” của văn hóa nói chung.
Người dân xem ảnh triển lãm về các loại hình di sản văn hóa của tỉnh tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động thiết thực để phát huy DSVH Lạng Sơn, trong đó chú trọng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, phân loại 1.117 điểm di tích; phối hợp tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật DSVH và các văn bản liên quan tới 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người; lập hồ sơ khoa học hơn 20 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh lên 140 di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt, 30 di tích quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, từ cuối năm 2017 đến nay, hệ thống di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp quản lý và bảo vệ, hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập ban quản lý di tích cấp huyện, xã để chỉ đạo, phát huy vai trò, tính chủ động trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích.
Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Cao Lộc hiện có 24 điểm, khu di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 12 điểm, khu di tích cấp tỉnh và 10 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy giá trị các di tích như: thành lập ban quản lý di tích tại cơ sở; ban hành quy chế quản lý hoạt động tại các di tích; ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường hiệu quả công tác quản lý di tích; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích… Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 10 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã khoanh vùng, bảo vệ được 8 di tích.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, công tác xã hội hóa được các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai. Qua đó, huy động được cả về nhân lực cũng như vật chất và tài chính của xã hội. Nổi bật, hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể ở góc độ lễ hội, trình diễn nghệ thuật truyền thống được thực hiện khá tốt; nhiều làn điệu: sli, then, lượn, xắng cọ, các điệu múa võ dân tộc, múa sư tử mèo… được phục hồi thông qua các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở.
Song song với đó, hằng năm, Sở VHTT&DL đã xây dựng văn bản, chương trình xuất bản sách lĩnh vực văn hóa. Trong đó, chú trọng chọn lựa từ các công trình khoa học lịch sử – văn hóa, dân ca, phong tục, tập quán, tri thức dân gian… có giá trị, phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ ngành văn hóa tỉnh và người dân học tập, tra cứu. Hằng năm, Sở VHTT&DL giao Phòng Quản lý Văn hóa – Gia đình và Bảo tàng tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch, quyết định xuất bản; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tác giả có công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa liên kết với sở để xuất bản. Đồng thời, dựa trên nguồn ngân sách của đơn vị, sở đã bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu, xuất bản sách trung bình từ 60 đến 70 triệu đồng/năm. Sau khi những cuốn sách được xuất bản, sở đưa từ 20 đến 30 bản/cuốn vào kho sách Thư viện tỉnh để phục vụ độc giả tìm hiểu về văn hóa Lạng Sơn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở VHTT&DL, tính đến nay, sở đã cho ra mắt hơn 20 đầu sách về văn hóa. Một số cuốn sách tiêu biểu như: Lễ hội dân gian truyền thống huyện Bắc Sơn (năm 2018); Di tích lễ hội chùa Tam Thanh – Tam Giáo Lạng Sơn (năm 2020); Cỏ Lảu và Sli người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn (năm 2020)…
Em Nguyễn Kim Ngân, lớp 4A1, Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn cho biết: Em thường đến Thư viện tỉnh để mượn và đọc sách. Tại đây, bên cạnh những cuốn sách phục vụ việc học tập còn có nhiều cuốn viết về văn hóa của Lạng Sơn. Đọc những cuốn sách này, em có thêm nhiều kiến thức về văn hóa của tỉnh.
Với những giải pháp thiết thực, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân được thụ hưởng những “trái ngọt” do văn hóa đem lại, đời sống văn hóa của Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày một nâng lên. Ði đôi với các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị DSVH, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng được các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.663/1.676 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 99,2%%, trong đó có 777 nhà văn hóa đạt chuẩn (gần 50%)…
Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự chung sức đồng lòng của người dân, hy vọng thời gian tới, các hoạt động văn hóa của tỉnh sẽ tiếp tục được đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm, đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.