Từ những đứa trẻ mù mịt về tương lai, học sinh của thầy Nguyễn Quang Phú tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7 (TPHCM) dần tìm được lối đi, khi có sự cưu mang, đồng hành của người thầy giáo trẻ tận tâm.
Trời đổ mưa rào, bốn đứa trẻ trong căn phòng ở chung cư An Hòa 3 (quận 7, TPHCM) ríu rít gọi nhau lấy quần áo vào.
Thấy đã xong việc, thầy giáo Nguyễn Quang Phú (32 tuổi, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7) lại tiếp tục ôn bài cho các học sinh đang sống cùng.
Trong căn phòng thuê rộng 48m2, năm thầy trò quây quần học tập, gắn bó cùng nhau. Các em học sinh dưới mái nhà này, có người ở TPHCM, người lại đến từ Tây Ninh, Đắk Nông hay Nghệ An cùng tụ họp.
Theo thầy giáo trẻ, những đứa trẻ hiện sống cùng thầy, không có máu mủ gì nhưng lại đối xử với nhau như anh em ruột thịt. Các em là học sinh của trung tâm, có hoàn cảnh khó khăn và được thầy đưa về ở chung.
Chỉ tay về phía các em, thầy nói với giọng tự hào: “Các bạn vừa được UBND TPHCM khen tặng. Bạn này vừa được giải Nhất cuộc thi máy tính cầm tay, bạn này được Học sinh giỏi toán lớp 12. Riêng bạn này được một giải Olympic môn toán. Còn bạn này là sinh viên giỏi, liên tiếp đạt nhiều học bổng”.
Tốt nghiệp ngành sư phạm với sự phản đối kịch liệt từ gia đình, thầy giáo trẻ được mời thỉnh giảng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7 từ năm 2013. Sau đó, trở thành giáo viên chính thức cho tới nay.
Cũng từ ngày gắn bó với môi trường giáo dục thường xuyên, thầy Phú bắt đầu phụ đạo cho học viên yếu, kém mỗi ngày. Nhà thầy trở thành địa điểm để ôn bài. Dần dần, số lượng các em đến càng đông, ngồi kín cả căn phòng nhỏ. Từ khi nào chẳng hay, học viên xin ở cùng thầy Phú càng nhiều.
Nhớ lại khi dịch Covid-19 bùng phát, thầy giáo trẻ rơi vào khủng hoảng kinh tế vì đồng lương không đủ lo cho các em.
“Tôi được vào biên chế năm 2019, lúc đó lương rất thấp nên chỉ đủ lo ăn hàng ngày. Dịch Covid-19, khu tôi ở bị phong tỏa nên không có nguồn thu nào khác ngoài lương. Mấy thầy trò chui rúc trong căn phòng không cửa sổ, cứ vậy mà góp gạo nuôi nhau”, thầy Phú nhớ lại.
Mọi khó khăn qua đi, thầy lại tiếp tục cho các em ở cùng. Năm 2021, thầy chuyển sang thuê căn trọ mới có 2 phòng ngủ, để học trò được thoải mái sinh hoạt hơn.
Phía phòng khách, thầy tận dụng làm nơi ôn tập, hỗ trợ kiến thức cho học sinh. Các phòng còn lại đầy kệ đựng sách, để học viên được đọc sách, thư giãn sau những giờ đi học, làm thêm.
Mỗi ngày, sau những giờ dạy tất bật ở trường, thầy giáo trẻ quay về phòng trọ để ôn luyện cho các em đến tối muộn. Gia đình biết những việc làm của thầy, chẳng những ngừng phản đối mà còn ủng hộ.
Sau khi hướng dẫn môn tiếng Anh cho bạn học sinh lớp 9 cùng phòng, Bùi Minh Mẫn (20 tuổi) quay trở về bàn học của mình. Mẫn vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với bao vỡ òa. Mẫn nói rằng, đó là điều mà trước kia em không dám nghĩ tới.
Mẫn là một đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương, do ba đã mất sớm, mẹ em một mình bươn chải, làm đủ thứ nghề để lo cho con.
Suốt quá trình đi học, Mẫn tranh thủ đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, dịch Covid-19 năm 2021 đã khiến nam sinh rơi vào cảnh bế tắc.
Ba tháng không đi làm, Mẫn bị chủ trọ đuổi ra khỏi phòng vì nợ hai tháng tiền nhà. Thất thểu đi lang thang trên đường, Mẫn cố nén nước mắt khi nhìn về tương lai mù mịt, những suy nghĩ luẩn quẩn cứ mắc kẹt trong em.
Hay tin Mẫn không có chỗ ở, một người bạn học của em đã liên hệ ngay với thầy Nguyễn Quang Phú.
“Thầy đã cho em tiền để trả nợ tiền trọ, mời em đến nhà ở và được ăn uống cùng thầy. Thầy như vị cứu tinh của em vậy, nếu không có thầy, chắc cuộc đời em đã chấm hết rồi”, Mẫn bộc bạch.
Cùng chung sống, thầy Phú dạy cho Mẫn nhiều kiến thức chuyên môn và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy Mẫn có năng khiếu vẽ, thầy định hướng cho em theo học ngành thiết kế thời trang. Chẳng mấy chốc, chàng trai giờ đây đã thi đỗ vào ngôi trường mà mình mơ ước.
“Đến giờ, chi phí học tập, sinh hoạt của em phụ thuộc vào tiền học bổng và vay từ thầy Phú. Thầy cho vay nhưng em cũng chưa biết khi nào em mới trả được. Em chỉ biết học thật tốt để sớm đi làm, tự nuôi bản thân và báo đáp phần nào cơ hội thầy đã trao cho em”, Mẫn bộc bạch.
Gắn bó đến 7 năm với thầy giáo trẻ, Đoàn Văn Hưng (25 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cũng từng nghĩ cuộc đời mình sẽ đi vào ngõ cụt khi quyết định nghỉ học năm lớp 8. Thời điểm đó, sáng Hưng đi làm phụ hồ ở tỉnh Đồng Nai, tối lại chạy về TPHCM để làm phục vụ.
Ngày qua ngày, tính tình của chàng trai trẻ trở nên bốc đồng hơn. Thế nhưng, không thể tránh những đêm mất ngủ, nước mắt Hưng trực trào khi số phận mãi không thoát ra được cái nghèo.
“Em suy nghĩ nhiều lắm. Nếu không học tiếp, chắc cuộc đời em mãi đi làm phụ hồ, lương ba cọc ba đồng. Em mới quyết định thay đổi, chỉ có học tập mới thay đổi được số phận”, Hưng nói.
Quay lại trường học lớp 8 khi đã 17 tuổi, Hưng ngại ngùng vì học cùng các em nhỏ tuổi hơn. Em phải mất rất nhiều thời gian để tiếp thu kiến thức.
“May mắn gặp được thầy Phú. Em chủ động xin qua nhà thầy để ôn bài rồi xin vào ở chung luôn. Giờ đây, cậu nhóc bốc đồng, hung dữ ngày xưa đang là sinh viên giỏi, học năm cuối với tính cách, tư duy và tương lai xán lạn hơn”, Hưng tự hào nói.
Trong ánh mắt vui mừng của người thầy giáo trẻ, ít có ai hiểu được thầy đã mất nhiều thời gian để cảm hóa những đứa trẻ này. Bởi quá khứ và hoàn cảnh của chúng, nếu kể ra rất dễ thấy xót xa.
Ấy vậy mà, người thầy đưa đám trẻ ra khỏi bờ vực năm ấy, lại khiêm tốn rằng: “Tôi chỉ là chất xúc tác nhỏ trên hành trình đầy nghị lực của các em”.
Gắn bó với môi trường giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, thầy giáo 9X cũng có nhiều lứa học trò đặc biệt.
Kể về lớp học trò đầu tiên khi dạy tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7 (TPHCM), thầy Phú từng bị “sốc”.
“Nhìn xung quanh lớp học, ai cũng lớn tuổi hơn tôi. Họ quay lại con chữ quá trễ khiến việc tiếp thu kiến thức rất chậm. Hơn nữa, mỗi người cũng có hoàn cảnh đặc biệt, cá tính mạnh mẽ nên phải mất rất nhiều thời gian rèn giũa”, thầy chia sẻ.
Hay như bà Ngô Thị Kim Chi (64 tuổi) – thí sinh lớn tuổi nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 – cũng là học viên do thầy giáo 32 tuổi làm chủ nhiệm.
Năm 2019, khi nhận lớp, ông cứ ngỡ có bà của học viên trong lớp đến dự giờ. Sau khi hỏi chuyện, thầy rất bất ngờ và lúng túng vì không nghĩ sẽ có một học viên lớn tuổi như vậy.
“Ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên có nhiều học viên lớn tuổi đi học nhưng cô Chi là người lớn tuổi nhất tại đây. Tôi khâm phục cô vì sự ham học, nghị lực và quyết tâm học hỏi rất cao”, thầy Phú chia sẻ.
Theo nam giáo viên, việc phải dạy người đã lớn tuổi ban đầu cũng khiến thầy không khỏi áp lực, ngượng ngùng. Đôi lúc, người thầy trẻ không tránh khỏi cảm giác bất lực, khi gặp những học viên khó tiếp cận. Nhưng sau đó cả thầy và học viên đều cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ dạy và học.
Lúc mới vào nghề, thầy phải di chuyển 2 giờ mỗi ngày để đến trường. Kinh tế cũng bấp bênh do chưa được vào biên chế. Nhưng những điều đó, dường như không làm chùn bước giáo viên yêu nghề.
Theo thầy giáo Phú, học sinh ở trung tâm có xuất phát điểm khó khăn hơn người khác, nên tính cách cũng dị biệt. Để cảm hóa các em, thầy luôn phải kiên nhẫn và cần thời gian dài. Bởi kiến thức là một vấn đề nhưng làm sao để ổn định tâm lý và định hướng cho các em rất khó nhằn.
“Nhiều đêm tôi trằn trọc khi nghĩ đến học viên. Và rồi tôi nhận ra phương pháp tốt nhất chính là trò chuyện để hiểu các em hơn”, người thầy bộc bạch.
Với thầy, khi vượt qua được thử thách đó, bản thân giáo viên sẽ nhận được kết quả vượt xa mong đợi. Đó là khi học trò trở nên thấu hiểu và thay đổi tính cách nhiều hơn.
Những lần ăn trưa cùng học viên hay thức thâu đêm để ôn bài cùng các em, thầy Phú cảm nhận mình là người bạn đồng hành hơn là một giáo viên bộ môn.
“Bản thân tôi còn phải học tập các em nhiều điều. Bởi các em sống rất nghị lực. Nếu đã xác định thay đổi cuộc đời, các em sẽ nỗ lực và quyết tâm rất lớn trong công việc, học tập. Trong những khoảnh khắc tưởng chừng như gục ngã, tôi được truyền rất nhiều động lực khi nghĩ đến các em”, thầy Phú nói.
Tuổi đã ngoài 30, thầy Phú chưa nghĩ đến việc lập gia đình vì còn nhiều ấp ủ với lứa học sinh.
“Đối với tôi, mỗi học viên bước sang trang mới cuộc đời đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Cảm giác như bản thân làm được một điều gì đó ý nghĩa nhất trên đời. Vậy nên, tôi chẳng có mong cầu gì ngoài việc thấy các em thành công, thực hiện được ước mơ của mình”, người thầy trải lòng.
Thầy Nguyễn Quang Phú còn chia sẻ, thầy và học trò đang thực hiện kế hoạch mở câu lạc bộ toán ở trường. Mỗi người một nhiệm vụ, từ thiết kế đến chuyên môn, thầy tin rằng sẽ lại có thêm cơ hội mới cho lứa học sinh sau.
Nói đến những ấp ủ của mình, thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Phú nói vẫn còn nhiều điều lắm. Dù bên ngoài trời vẫn còn mưa, nhưng trong căn phòng trọ lại ấm áp. Bởi nó chứa đầy sự bao bọc giữa thầy và trò, tưởng chừng như máu mủ, ruột thịt.
Bà Hồ Thị Phước Thọ – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7 – nhận xét: “Thầy giáo Nguyễn Quang Phú là một giáo viên trẻ, không chỉ vững chuyên môn mà còn đầy nhiệt huyết, chỉnh chu, cầu toàn trong công việc tận tình vì học viên”.
Ấn tượng sâu sắc của thầy Phú với Ban giám đốc là những lần nam giáo viên làm đơn xin mượn phòng học vào buổi tối để phụ đạo cho các em có học lực yếu, kém, chưa nắm vững kiến thức của bài học.
“Có những hôm, thầy “chạy show” ở bốn lớp. Giảng bài cho lớp này, giao bài tập lớp kia, rồi thầy chạy sang lớp khác… Thầy chủ động thực hiện phụ đạo kiến thức với chữ tâm của một người đưa đò; đôi lúc tôi nghĩ rằng giáo viên không chỉ là nghề mà còn là nghiệp giáo của thầy”, bà Phước Thọ chia sẻ.
Nội dung: Huyên Nguyễn – Nguyễn Vy
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Patrick Nguyễn
Dantri.com.vn