Từ hôm nay 20/11, Quốc hội tiếp tục tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 6, các đại biểu thảo luận tại hội trưởng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường. |
Dự kiến, buổi sáng các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội cũng sẽ nghe, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng;
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Thảo luận ở hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng và Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Trong tuần làm việc, về công tác lập pháp, Quốc hội thảo luận về một số dự án luật, nghị quyết gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
* Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 39, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp với 2 dự thảo nghị quyết:
Một là, Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;
Hai là, Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV).
* Trước đó, tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết lý do vì sao chưa trình Quốc hội nghị quyết về áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, hai dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng các quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 9.
Tại phiên họp tháng 10, Chính phủ đã trình lần 2 dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Đây là chính sách quan trọng, chưa có tiền lệ, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, thấu đáo, toàn diện, để đảm bảo mục tiêu giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới. Đồng thời, đảm bảo không vi phạm nguyên tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, không làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của Việt Nam”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói.
Ngoài ra, ông Vũ Tuấn Anh cho biết thêm, theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, thời hạn kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là 12 tháng, tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu là 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Như vậy, việc nộp thuế bổ sung tại nước mẹ của các tập đoàn không phải từ 1/1/2024 và nếu có nộp thì cũng từ năm 2025.
Do vậy, 2 dự án Nghị quyết này chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế trong nước, tình hình thực hiện ở các nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn thiện 2 dự án trên để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định tại thời điểm thích hợp, đáp ứng được yêu cầu các cam kết quốc tế, và phù hợp tình hình trong nước.