Tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 7,39%, trong khi mục tiêu cả năm là 14-15%. Cuộc chạy nước rút trong chưa đầy 2 tháng cuối năm sẽ là bài toán khó mà hệ thống ngân hàng phải tìm lời giải, khi mà sức cầu của nền kinh tế suy yếu.
“Ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ thì rất cần các giải pháp và chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh bàn luận trong hội thảo Tháo van tín dụng – khơi thông tăng trưởng ngày 17/11.
Hỗ trợ lãi suất chưa đến 4%/năm
Đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng tăng trưởng tín dụng phải xét đến 2 yếu tố là chính sách tác động và môi trường kinh tế xã hội.
Về cơ chế chính sách, NHNN đã ban hành và sử dụng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Kết quả là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát với CPI chỉ tăng 3,43%.
Chính sách điều hành lãi suất thời gian qua đang tác động tích cực đối với khối doanh nghiệp. Các đơn vị khó khăn được giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất để có điều kiện phục hồi và tạo lập lại dòng tiền. Các doanh nghiệp đang hoạt động tốt thì được ưu tiên nguồn vốn và lãi suất thấp để hoạt động tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn.
Quá trình hỗ trợ này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với mức lãi suất chưa đến 4%/năm.
Đại diện NHNN tại TP.HCM cho biết từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tại các địa bàn quận/huyện của thành phố để giảm lãi suất và cơ cấu nợ.
Tổng số tiền đã giải ngân cho vay từ các hoạt động này vào khoảng 581.000 tỷ đồng, cho gần 180.000 khách hàng, tương đương bằng 112% so với gói tín dụng ưu đãi mà các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm (quy mô gói 520.000 tỷ đồng).
Cũng theo ông Lệnh, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… Tuy nhiên tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, nguyên nhân chủ yếu đến từ môi trường kinh tế suy yếu nên khả năng hấp thụ vốn thấp.
Tín dụng tiêu dùng đô thị lớn như TP.HCM chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi tín dụng chung là gần 5%. Thậm chí là hoạt động cho vay mua nhà để ở giảm 0,3%, điều này phản ánh rất rõ yếu tố thu nhập của khách hàng đã giảm đi đáng kể.
Kích cầu mùa Tết
Trong 2 tháng cuối năm, để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, đại diện NHNN cho biết sẽ tập trung khai thác “tính chất mùa vụ”. Thông thường nhu cầu vốn rất cao trong dịp Tết, nhất là với lĩnh vực sản xuất tiêu dùng và du lịch, do đó các ngân hàng cần đáp ứng tốt các nhu cầu vốn ngắn hạn này, duy trì thanh toán thông suốt.
“Với hoạt động cho vay bình ổn thị trường, chúng tôi đang tham gia giải ngân với các lãi suất rất thấp chỉ khoảng 4-6%/năm”, ông Lệnh nói về hoạt động cho vay ngắn hạn để giúp các doanh nghiệp giảm giá thành và ổn định giá bán dịp Tết.
Tổng mức giải ngân hoạt động bình ổn thị trường này khoảng 9.000 tỷ đồng, cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng Tết, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối hàng hóa cho người dân.
Đại diện NHNN cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, môi trường đầu tư tốt và niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng đang thực thi và triển khai chính sách hỗ trợ, do đó khi doanh nghiệp làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cũng cho biết ngân hàng tư nhân này đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi.
Đối với tính chất mùa vụ cuối năm, ông Phương chia sẻ cho vay thực chất không có nhiều lợi nhuận, bởi lãi suất huy động vốn hồi giữa năm rất cao trong khi lãi suất cho vay hiện nay đã giảm sâu.
Đại diện Agribank thông tin rằng ngân hàng đến nay đã có 7 đợt giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng về mức thấp nhất thị trường và tương đương với mức trước đại dịch Covid-19. Việc giảm lãi suất theo nhà băng này còn là đồng hành với doanh nghiệp và vì Agribank huy động tiền về là để cho vay chứ không thể cất trong két.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo các tháng 11,12 có tính thời vụ rất cao, tín dụng có thể tăng 2% là bình thường. Ông kỳ vọng năm nay các ngân hàng có thể nỗ lực xét duyệt nhanh hơn và doanh nghiệp cũng nên nỗ lực hơn.
Theo ông Trung, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì nên tính lại tín dụng chỉ ở mức 11-12% nhằm cân bằng rủi ro. Do đó mức tín dụng hiện nay đã đạt 7,49% là bình thường, bởi vẫn còn 2 tháng cao điểm cuối năm để phấn đấu.
Bổ sung quan điểm này, TS Võ Trí Thành cho rằng việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% là “chúng ta dũng cảm”, nhưng khi khó khăn thì nên linh hoạt.
Ông nêu thực chất là nền kinh tế đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, chỉ tiêu tín dụng trên GDP là 130% là quá cao. Trong tương lai, nếu thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam sẽ ở mức 10%, không còn là 13-14-15% như hiện nay.
NHNN họp với các ngân hàng về cho vay bất động sản: Dư nợ BĐS chiếm 21,46%
Sáng 13/11, NHNN và Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị với các ngân hàng cho vay bất động sản trên 20.000 tỷ đồng. NHNN cho biết dư nợ bất động sản chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế.
NHNN và Bộ Xây dựng họp với các ngân hàng dư nợ BĐS từ 20.000 tỷ đồng
Hội nghị lớn về tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ diễn ra vào đầu tuần tới do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng tổ chức với sự tham dự của tổng giám đốc các ngân hàng có dư nợ bất động sản từ 20.000 tỷ đồng trở lên.