Lớp học đầy ắp tình thương
Lớp học miễn phí được cô Nhung tổ chức từ 18 giờ các buổi chiều trong tuần. Từ những ngày đầu phải đi vận động, đến nay thành “lệ”, cứ tan học buổi chiều là nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn lại tìm đến căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương để gặp cô Nhung.
Cô Nhung là giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nghỉ hưu. Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Nhung rời bục giảng và về tham gia vào hoạt động xã hội tại địa phương.
“Trong quá trình làm công tác xã hội, phát hiện tại địa phương mình có nhiều trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất hiếu học nên tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi đã đến từng nhà vận động bố mẹ đưa các em đến để tôi chỉ dạy, ôn tập giúp các em tiến bộ hơn”, cô Nhung bộc bạch. Và thế là đầu năm 2019, lớp học 0 đồng ra đời.
Hiện, lớp dạy thêm miễn phí này có khoảng 20 em nhỏ đang theo học. Các em khác nhau về độ tuổi nhưng nhiều nhất là các em tiểu học từ lớp 1 đến lớp 7. Đây đều là những học trò có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi,…
Với học sinh Tiểu học, cô Nhung dạy tất cả các môn, còn học sinh THCS thì cô dạy chủ yếu môn Ngữ văn. Dù lớp học với nhiều độ tuổi khác nhau, thế nhưng vẫn được cô Nhung xây dựng giáo án hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn.
Trong quá trình giảng dạy, nếu nhận thấy học trò yếu phần nào thì cô sẽ tập trung kèm cặp thêm phần đó thật kỹ. Bằng tình yêu thương đối với con trẻ và cái tâm trong sáng, cô đã nhen lên ngọn lửa say mê học tập cho những lứa học sinh nghèo nơi đây.
Suốt 5 năm qua, bất kể nắng mưa, 2 anh em ruột Vũ Trọng Bình (lớp 7) và Vũ Trọng Khang (lớp 5) vẫn đều đặn đến lớp học của cô Nhung không sót buổi nào.
Hoàn cảnh của Bình, Khang rất khó khăn. Bố mẹ ly hôn, hai em sống với ông bà ngoại lớn tuổi, lại đau ốm thường xuyên nên hai em cũng không có điều kiện để học thêm và không ai kèm cặp nên thời điểm đó kết quả học tập của hai anh, em rất yếu.
“Trong một lần đi khảo sát đời sống ở khu dân cư, tôi tình cờ biết hoàn cảnh của 2 em. Lúc đó, do không có ai kèm cặp nên 2 em học rất yếu. Thương quá nên tôi liền nhận các em đến lớp để kèm cặp”, cô Nhung chia sẻ.
Nhờ sự chỉ dạy tận tình của cô Nhung, những chữ viết nguệch ngoạc ban đầu cũng dần trở nên nắn nót và đẹp hơn. Từ học sinh yếu, giờ đây hai anh em Bình và Khang đã vươn lên đạt thành tích học sinh khá trong năm học vừa qua.
“Lớp học của cô Nhung đã giúp con tiến bộ rất nhiều. Không chỉ dạy học miễn phí, cô còn cho hai anh em con sách vở, bút thươc, bánh kẹo và cả gạo nữa. Tụi con rất biết ơn cô Nhung”, em Bình cười tươi nói.
Cô giáo kiêm luôn…”mẹ hiền”
Không chỉ dạy chữ, cô Nhung còn dạy các em phải lễ phép và những điều hay lẽ phải. Trước mỗi buổi học, các em được dạy đến sớm để vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, tập thói quen tự giác, tự lập và biết lao động.
Đặc biệt, mỗi đầu năm học mới, cô Nhung đều tặng cho mỗi bạn học sinh một bộ sách mới, 20 cuốn vở và hai bộ đồng phục của trường mà các em đang theo học. Những bộ quần áo này đều được đo may đúng kích cỡ của các em, không phải là loại đo may sẵn ngoài tiệm.
Toàn bộ kinh phí để mua sắm dụng cụ, trang thiết bị cho các em được trích từ lương hưu và số tiền phụ cấp của các công việc xã hội mà cô Nhung đang làm.
Để tạo không gian thoải mái, gần gũi khi đến lớp, cô Nhung còn thường tổ chức liên hoan nhỏ vào các dịp lễ, tết tại lớp học và tặng quà bánh để các em mang về nhà. Với học sinh đạt được điểm số cao tại các kì thi giữa kì, cuối kì thì cô Nhung sẽ thưởng những phần quà nho nhỏ để khích lệ tinh thần. Vừa qua, cô còn tặng 2 chiếc xe đạp cho 2 em học sinh khó khăn của lớp để các em có thể tự đến trường.
Cô Nhung tâm sự rằng, dù những phần thưởng “chẳng đáng bao nhiêu”, nhưng thấy các em hạnh phúc khi được nhận quà thì cô cũng cảm thấy “vui lây”.
Gần 40 năm “đưa đò” và lặng lẽ dâng “mật ngọt” cho đời, với cô Nhung, niềm vui đôi khi chỉ giản đơn là được nhìn đám học trò nghèo tiến bộ từng ngày và sau này trở thành người tử tế, biết yêu thương và có ích cho xã hội. Đó cũng chính là động lực để bà giáo già tiếp tục duy trì lớp học đầy ắp tình thương này.
Khi được hỏi dự định khi nào sẽ nghỉ đứng lớp, cô Nhung cười phúc hậu nói: “Dạy học là niềm vui của cuộc đời tôi và tôi thương những học trò này như chính con ruột của mình. Vì vậy, tôi sẽ duy trì lớp học miễn phí này cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi”.