Sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội và khoa học kỹ thuật dù có đạt được những thành tựu xuất sắc nhưng theo thời gian, vai trò, vị trí của người thầy và những giá trị bền vững của nghề dạy học vẫn không gì có thể thay thế nổi.
Vị trí của người thầy và những giá trị bền vững của nghề dạy học vẫn không gì có thể thay thế. Ảnh: Di tích đền Thiên cổ – Một trong những nơi thờ sự học đầu tiên của dân tộc Việt Nam. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Người thầy – Vai trò quan trọng
Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết trong những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao để nói về vị trí của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; “Nhất tự vi sư/Bán tự vi sư”. Người thầy luôn được đề cao và là biểu tượng, là mẫu mực về chuẩn mực đạo đức, tài năng và vai trò trong hình thành những giá trị đạo đức, nhân cách và tri thức cho các thế hệ học trò. Trải dài theo năm tháng và sự thăng trầm của lịch sử, của sự phát triển xã hội, người thầy và sự học luôn được Nhân dân coi trọng, tôn vinh, là người tin cậy nhất để họ gửi gắm con em, mong thầy dạy bảo chúng nên người. Mỗi gia đình, mỗi làng quê dù khó khăn đến đâu cũng động viên, bảo ban con em mình neo vào sự học mà thành người tốt, thành danh, thành tài.
Giá trị của người thầy được khởi thủy ngay từ thời đại Hùng Vương. Đó là sự quan tâm đến việc giáo dục, học hành trước hết là đối với các công chúa, hoàng tử rồi về sau là việc học của con dân. Minh chứng cho điều này là việc Vua Hùng Duệ Vương đón thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục về dạy học. Được giáo dục, học hành, các công chúa, hoàng tử đều trở thành những người đức độ, những người tài giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước. Từ đó, vị trí, công lao của người thầy cứ thế mà lan tỏa ra đời sống xã hội, người thầy trở thành biểu tượng sáng ngời về đạo đức, tri thức và sống trong lòng Nhân dân, được Nhân dân kính trọng, ngợi ca. Ở vùng Đất Tổ Phú Thọ hiện nay vẫn còn lưu giữ di tích cổ kính, đó là đền Thiên Cổ – nơi thờ sự học đầu tiên của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng thiêng liêng, trường tồn cho truyền thống hiếu học của người Việt.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị trí của người thầy không ngừng được nâng lên ở những tầm cao về đạo đức, tri thức để đáp ứng được nhu cầu sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 10, tr.345). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” (Trích Thư Bác Hồ gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955). Bác đã tôn vinh người thầy giáo tốt là “những anh hùng vô danh”; Bác luôn đề cao vai trò của sự nghiệp trồng người trong xã hội: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Thực tiễn luôn đặt ra trọng trách lớn lao của người thầy khi đất nước vừa phải đối diện với những cuộc chiến tranh ác liệt, vừa phải lo dựng xây và phát triển. Nhu cầu về giáo dục, rèn luyện đạo đức cho các thế hệ học sinh Việt Nam như Bác Hồ từng mong muốn “vừa hồng, vừa chuyên” để đào tạo ra những nguồn nhân lực có đức, có tài, vừa dũng cảm trong chiến đấu, vừa hăng say, sáng tạo trong lao động sản xuất. Muốn vậy, cần có sự dìu dắt và dạy dỗ của những người thầy, người cô, những người “lái đò thầm lặng”, gieo mầm tri thức để mỗi thế hệ học sinh trong mỗi giai đoạn khác nhau được rèn luyện, được học hành đầy đủ và đủ tri thức bước vào cuộc sống.
Trong thời đại CNH, HĐH đất nước, thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển không ngừng, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao luôn đặt ra đối với thực tiễn giáo dục. Có như vậy, chúng ta mới lĩnh hội, tiếp nhận những thành tựu tiên tiến của thế giới hiện nay. Hơn bao giờ hết, sự học và vai trò của người thầy được nâng tầm ở tầm cao mới. Người thầy phải không ngừng học, không ngừng sáng tạo và thay đổi tư duy để không chỉ có vai trò là người truyền đạt những bài giảng mang trong đó tri thức của thời đại mới mà còn truyền lửa cho học trò những đam mê sáng tạo, khơi gợi trong các em những khao khát chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức của nhân loại.
Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai chia sẻ: “Ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần đến vai trò của người thầy. Việc học và người thầy giáo giỏi luôn là nền tảng quan trọng cho những sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Vị trí của người thầy luôn được nâng lên tầm cao khi xã hội phát triển. Từ đó, những yếu tố đối với người thầy như trình độ, phương pháp, việc nêu gương, truyền thống tôn sư trọng đạo… theo thời gian mà thay đổi”.
Người thầy trong góc nhìn xưa và nay
Khi xã hội phát triển, vai trò, vị trí và những nhìn nhận, đánh giá về người thầy giáo so với xã hội xưa đã có sự thay đổi đáng kể. Với đặc thù, dạy học là nghề không chỉ truyền thụ kiến thức đơn thuần mà thông qua đó để dạy người, dạy cách làm người, tạo ra một sản phẩm đặc biệt cho xã hội, đó là con người đức tài vẹn toàn. Người thầy giáo và học sinh là linh hồn của quá trình dạy và học, người thầy luôn là người truyền vào tâm hồn học trò những giá trị bền vững về nhân cách sống, về khát vọng vươn lên và ý thức làm người công dân tốt. Người thầy có ảnh hưởng dài lâu trong quá trình dạy chữ – dạy người.
Thầy giáo Lê Văn Cường, tổ trưởng chuyên môn trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái) chia sẻ: “Vị trí của người thầy trong xã hội mọi thời kỳ đều hết sức quan trọng vì nghề giáo dục có đặc thù đào tạo ra những con người với kiến thức, kĩ năng phù hợp với nhu cầu của từng thời kỳ lịch sử xã hội. Do vậy phương pháp truyền thụ của thầy có thể thay đổi theo thời gian nhưng tầm quan trọng của người thầy không bị mất đi mà còn được nâng cao”.
Thầy Lê Văn Cường nhấn mạnh rằng, sản phẩm của thầy tạo ra cho trò không chỉ là kiến thức hàn lâm, kĩ năng đơn thuần mà muốn sản phẩm của người học trở nên hoàn thiện thì còn cần phải có sự kết tinh trong đó tình cảm tình yêu thương vô bờ, vô điều kiện của thầy dành cho trò. Điều này vượt lên những giá trị xã hội thông thường mà sản phẩm của các ngành nghề lĩnh vực khác không cần hoặc không thể có được.
Trong xã hội ngày nay, cho dù với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và sự thay đổi của những quan niệm, góc nhìn nhưng tầm quan trọng của người thầy giáo không những không bị mất đi mà còn được nâng lên ở tầm cao mới với những điểm khác biệt. Nếu ngày xưa, thầy giáo là người có trình độ cao nhất ở một địa phương nào đó thì ngày nay, thầy không còn là duy nhất mà chỉ là người được đào tạo sư phạm bài bản, có trình độ và nghiệp vụ để làm nghề dạy học. Trước đây, thầy giáo là người cung cấp kiến thức duy nhất, thì ngày nay, do sự phát triển của khoa học công nghệ, ngoài người thầy còn có biết bao kênh kiến thức khác để kết hợp, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập.
Bởi vậy, phương pháp dạy – học của thầy và trò cũng thay đổi. Xưa kia, thầy trong vai trò là người dẫn đường, truyền thụ, người cung cấp kiến thực và học trò là người đón nhận, lĩnh hội. Giờ đây, thầy trong vai trò là người định hướng, khơi gợi, truyền cảm hứng, đồng hành, tổ chức và phát hiện năng lực của học sinh. Nói cách khác, trước đây, việc dạy học của thầy là quá trình “trao – nhận” thì giờ đây là định hướng. Điều đó đặt ra cho người thầy hiện nay khi tổ chức dạy học là cần phải có phương pháp, có sự hiểu biết về đối tượng để giúp được học sinh đi khám phá tri thức, nắm được những điều học trò đang cần trong quá trình học tập.
Mối quan hệ thầy – trò ngày nay cũng thay đổi, đặc biệt là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Trong quá khứ, tôn sư trọng đạo gắn với sự tôn sùng, phục tùng người thầy còn ngày nay, đạo lý tốt đẹp ấy mang ý nghĩa đồng cảm, thấu hiểu và sự tri ân của học trò đối với thầy. Việc nêu gương của thầy cũng khác. Trước đây, nêu gương thường gắn với hình ảnh người thầy nghiêm túc, khuôn mẫu, đạo mạo. Ngày nay, nêu gương gắn với hành động, việc làm của thầy là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo, phương pháp, ứng xử… để làm sao ảnh hưởng tích cực đến nhân cách học trò. Cuộc sống và việc làm của thầy phải toát lên những giá trị giáo dục.
Những thách thức đối với người thầy
Xã hội phát triển là cơ hội để mỗi nhà giáo khẳng định mình nhưng đồng thời, đó cũng là thách thức mà mỗi nhà giáo hiện nay đã và đang phải đối diện. Đó là những vấn đề như khả năng tiếp cận với những thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, là việc không ngừng tự học, sáng tạo để tự hoàn thiện bản thân, là khả năng đổi mới phương pháp để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đồng thời, những tâm tư của nhà giáo về cơ chế tuyển dụng, chính sách tiền lương, luân chuyển, điều kiện sống và làm việc ở miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn cùng những áp lực dưới sự tác động của mạng xã hội và mặt trái của cơ chế thị trường… vẫn đang cần được toàn xã hội sẻ chia.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp đến giáo dục, người thầy giáo và công việc học tập của học sinh. (Ảnh tư liệu). |
Tiến sỹ Phạm Kiều Anh, Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 chia sẻ: “Khi xã hội phát triển sẽ có sự ảnh hưởng đến vai trò của người thầy giáo. Song, đây cũng lại là một cách khác để khẳng định tầm quan trọng của người thầy trong đời sống. Đồng thời, trong xã hội hiện đại, người thầy cũng phải đối diện với những thách thức không hề đơn giản để không ngừng nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, đào tạo của xã hội”.
Thiết nghĩ, dù xã hội có phát triển đến đâu, khoa học công nghệ với những cỗ máy tân tiến, hiện đại ra đời cũng không thể thay thế vị trí, vai trò của người thầy trong giáo dục. Bởi lẽ, đội ngũ nhà giáo đã và đang thực hiện sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho, đó là sự nghiệp “trồng người”, là giáo dục nhân cách, đạo đức, tri thức cho những mầm non của đất nước.
Chúng ta tin tưởng rằng, mỗi nhà giáo ở các cấp học sẽ luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới” năm 1968: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Xã hội luôn cần thầy cô giáo, những “kỹ sư tâm hồn” đi gieo mầm tri thức, nhiệm vụ của thầy cô rất cao cả và vinh quang nhưng thấm đẫm nhọc nhằn. Bởi lẽ, phía sau những lo toan, vất vả trong nghề dạy học của thầy cô giáo là ánh mắt trẻ thơ, là tương lai của thế hệ trẻ.