Nghị quyết về vấn đề áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu) đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2022, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. (Nguồn: VGP) |
Báo cáo của Chính phủ về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu cho thấy, có khoảng 122 tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thuộc diện điều chỉnh với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là 14.600 tỷ đồng/năm.
Nghị quyết thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý. Việc Việt Nam chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia mà còn tạo lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, để giữ quyền đánh thuế, tại Kỳ họp thứ sáu, đa số đại biểu cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu. Những doanh nghiệp này có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì để họ nộp khoản thuế bổ sung này tại đất nước của họ.
Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Áp dụng thuế này sẽ mang lại cho đất nước cơ hội mới như tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá.
Nếu không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, các nước “xuất khẩu” đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung cho đủ mức 15% đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.
Tuy nhiên, bài toán “giữ chân” nhà đầu tư vẫn là vấn đề cần suy xét khi tiến hành áp dụng. Để làm được điều này, chúng ta cần sớm có chính sách bổ trợ khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để vừa bảo đảm lợi thế cạnh tranh, vừa hấp dẫn đầu tư nước ngoài (FDI) – động lực kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ cần đánh giá để xác định mức độ bị tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi, làm cơ sở xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực.
Hiện Việt Nam được các nhà đầu tư ngoại coi là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều lợi thế. Đơn cử như hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu; có cam kết rõ ràng về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư; là thị trường rộng lớn với 100 triệu người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu giàu có ngày càng tăng…
Việc nắm bắt cơ hội quan trọng từ quyết định triển khai thuế tối thiểu toàn cầu là điều cần thiết để Việt Nam xem xét lại việc sử dụng các ưu đãi thuế, cải thiện khung chính sách đầu tư, tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn, là nơi các doanh nghiệp đa quốc gia gửi niềm tin.
Thời điểm cạnh tranh bằng thuế tối thiểu toàn cầu cũng đã tới, khi một số nền kinh tế trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan đã sớm công bố chính sách bổ trợ thông qua ưu đãi hạ tầng, đào tạo nhân sự hoặc bổ sung vào phí nghiên cứu và phát triển (R&D)…