Tuần hành phản đối xung đột ở Tel Aviv, Đức đánh giá về viện trợ nhân đạo cho người Palestine… là một số tin tức đáng chú ý về xung đột Israel – Hamas.
Nhiều người dân Israel xuống đường tuần hành từ Tel Aviv tới Jerusalem để gây áp lực, buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu sớm có thỏa thuận trao đổi toàn bộ con tin. (Nguồn: AP) |
* Chiến dịch của IDF tại Dải Gaza bước sang giai đoạn 2: Ngày 18/11, phát biểu tại buổi họp báo chung với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nêu rõ: “Những ngày qua, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn thứ 2 của cuộc đổ bộ… Lực lượng phòng vệ (IDF) vẫn đang ở phía Tây, nhưng đang chuyển dần sang hướng Đông…
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục chỉ trích các thành viên của Hamas, bác bỏ thông tin đồn đoán về khả năng thay thế Ngoại trưởng Eli Cohen bằng đương kim Bộ trưởng Kinh tế.
Về việc tại sao lại cho nhiên liệu vào Dải Gaza dù từng hứa không làm như vậy, ông Netanyahu cho rằng, không còn cách nào khác để tiếp tục xung đột hiện nay. Nếu không làm như vậy và bảo đảm các nhu cầu nhân đạo khác, dịch bệnh sẽ bùng phát và Israel sẽ mất kiểm soát mọi thứ.
* Tuần hành phản đối xung đột ở Tel Aviv: Chiều 18/11, hàng trăm người Do Thái và Arab đã tập trung tại công viên Charles Claure ở Tel Aviv. Họ mang theo biểu ngữ đòi chính phủ lập tức chấm dứt xung đột hiện nay và trao đổi số con tin, người bị bắt và tù nhân với các phong trào vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza. Đây là cuộc tuần hành phản đối hiếm hoi ở Israel thời điểm này.
Cùng thời điểm, hàng trăm người Israel khác cũng tụ tập ngay phía đối diện nhằm đáp trả những người tuần hành nêu trên. Cảnh sát đã phải lập hàng rào chia tách 2 nhóm biểu tình để tránh xảy ra xô xát.
Trong khi đó, tại Jerusalem, hàng chục nghìn người đã gia nhập đoàn tuần hành của thân nhân người bị bắt cóc, tập trung trước tư dinh của ông Netanyahu nhằm gây áp lực.
Trước đó, nhà lãnh đạo này cho biết cho biết, trong vài ngày tới, Nội các sẽ gặp gỡ đại diện thân nhân những người bị bắt cóc.
Tại Haifa, hàng trăm người cũng tụ tập tại quảng trường Sách để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas từ hôm 7/10. Họ cũng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu phải từ chức.
Dự kiến, dòng người sẽ đổ về tư gia của ông Netanyahu tại thành phố Caesarea để gây áp lực với nhà lãnh đạo này.
* Mỹ: Chính quyền Palestine nên quản lý Gaza và Bờ Tây sau xung đột: Ngày 18/11, trong bài báo trên tờ Washington Post (Mỹ), Tổng thống nước này Joe Biden nhấn mạnh: “Trong nỗ lực vì hòa bình, Gaza và Bờ Tây nên được thống nhất dưới một cơ cấu quản lý duy nhất, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Palestine đang hồi sinh.
Tất cả chúng ta đều nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước… Không được dùng vũ lực để di dời người Palestine khỏi Gaza. Không được tái chiếm, bao vây, phong tỏa hay thu hẹp vùng lãnh thổ này”.
Ông Biden đã sử dụng bài báo trên để cố gắng trả lời câu hỏi Mỹ muốn gì đối với Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Cũng theo Tổng thống Biden, Mỹ sẵn sàng ban hành lệnh cấm cấp thị thực đối với những “phần tử cực đoan” tấn công dân thường ở Bờ Tây.
Ông bày tỏ: “Tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Israel rằng, bạo lực cực đoan chống lại người Palestine ở Bờ Tây phải chấm dứt và những kẻ có hành vi bạo lực phải chịu trách nhiệm”.
Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, bạo lực của những người định cư Israel chống lại người Palestine ở Bờ Tây đã gia tăng nhanh chóng.
* Đức không phát hiện bất thường trong viện trợ nhân đạo cho Palestine: Ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Đức cho biết đã xem xét kỹ các khoản giải ngân viện trợ nhân đạo cho các vùng lãnh thổ của Palestine.
Bộ trên nêu rõ: “Việc xem xét viện trợ nhân đạo cho người Palestine đã hoàn tất. Hiện chúng tôi chưa thấy có bất thường nào liên quan đến nghi vấn viện trợ gián tiếp cho tổ chức cực đoan”.
Tính đến nay, Berlin đã cung cấp viện trợ nhân đạo với tổng trị giá khoảng 161 triệu Euro (175,6 triệu USD) cho người dân ở các vùng lãnh thổ của Palestine.