16:22, 16/04/2023
BHG – Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước. Tại huyện Quản Bạ những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội, giảm nghèo, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ thiết yếu.
Mô hình trồng rau sạch của Công ty TNHH Hải Phong, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tạo công việc cho lao động địa phương. |
Hiện nay, huyện Quản Bạ có 52,73% dân số là hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm 12,84%. Xác định công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; huyện lồng ghép các cơ chế, chính sách như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh, của huyện với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững; ban hành kế hoạch xây dựng huyện Quản Bạ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025 để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Trong đó, huyện tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH ở các xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Điển hình như tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây ăn quả ôn đới, dược liệu, rượu ngô, bò, mật ong, dê, ngựa… ; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng như: Thảo quả, Atisô, Hoa kim ngân, Tam thất, Hương thảo, chè Shan tuyết (Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tả Ván); hạt Tam giác mạch… ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, lấy khâu đột phá về phát triển nông nghiệp sạch, đặc trưng trở thành hàng hóa; lựa chọn 3 cây “Cây ăn quả ôn đới, dược liệu và rau hoa trái vụ” và 2 con “bò vàng và ong” để tập trung chỉ đạo phát triển. Duy trì và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, thế mạnh khác như: Dê, ngựa, gà xương đen, lợn đen. Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo…
Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quảng bá các làng nghề truyền thống gắn với du lịch; hỗ trợ phát triển một số nghề truyền thống đang bị mai một như làm Khèn mông, làm hương truyền thống, dệt lanh… Phát triển văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS như hát giao duyên của dân tộc Mông, hát then của dân tộc Tày, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông… Xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với những sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu; đầu tư, hỗ trợ phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng; đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế du lịch của hang động gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển KT-XH liền vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn như 4 xã biên giới (Nghĩa Thuận, Cao Mã pờ, Tùng Vài, Tả Ván) với xã Quyết Tiến; 5 xã Thái An, Đông Hà, Lùng Tám, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn; 3 xã Quản Bạ, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đảm bảo 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Quản Bạ phấn đấu thực hiện giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 10,68%/năm; gồm giảm 7,98% hộ nghèo và 2,7% hộ cận nghèo. Thông qua việc khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân, phát huy nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: LÊ HẢI