Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức” do Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 17.11, ông Phạm Hồng Lượng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, cho biết ngày 29.5, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 34 về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: duy trì, cập nhật, nâng cấp hệ thống thông tin của ngành lâm nghiệp; đẩy mạnh việc duy trì, cập nhật, tổng hợp dữ liệu thông tin trên các lĩnh vực quản lý rừng, thương mại và chế biến lâm sản; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong ngành.
“Với các kế hoạch như vậy, chúng tôi xác định các lộ trình triển khai để đáp ứng mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số”, ông Lượng nói.
TS Nguyễn Đức Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), chia sẻ với công tác quản lý, chuyển đổi số giúp Bộ NN-PTNT, ngành lâm nghiệp nắm về trữ lượng, diện tích cũng như dự báo cháy rừng, từ đó lập kế hoạch, xây dựng chiến lược đáp ứng yêu cầu nhanh hơn, tốt hơn.
Trong thương mại quốc tế, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nắm bắt thông tin nhanh hơn. Ví dụ, cơ sở dữ liệu giống cây trồng sẽ cung cấp kỹ thuật, giống, thị trường và giúp minh bạch hóa thông tin của ngành, giảm thiểu tranh chấp…
Viện đã phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực, KH-CN; tiến hành xây dựng phần mềm số hóa quản lý và truy xuất gỗ hợp pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, tài nguyên về gỗ phục vụ giám định…
Viện đã áp dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, quá trình khai thác, vận chuyển gỗ đến nhà máy; tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ giúp rút ngắn thời gian giám định gỗ. Đây được xem là một bước đi chuyển đổi số rõ rệt trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.
“Việc phối hợp với Cục Lâm nghiệp Mỹ đã giúp rất nhiều cho công tác giám định gỗ và thực vật, giúp xác định xem việc sử dụng gỗ của ta có đáp ứng các công ước quốc tế hay không. Từ khi áp dụng công nghệ của Mỹ, thời gian giám định gỗ rút ngắn chỉ còn khoảng 10 – 15 phút/mẫu thay vì 2 – 3 ngày/mẫu như phương pháp truyền thống. Điều này có giá trị lớn trong quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thành nói.
Phải xây dựng cơ sở dữ liệu số nhất quán
Bên cạnh kết quả đạt được, chuyển đổi số ngành lâm nghiệp cũng đối mặt khó khăn nhất định. Ông Phạm Hồng Lượng cho biết, do ngành có địa bàn rộng, đa dạng đối tượng, các cán bộ, chủ rừng, người dân ở nơi xa nên khả năng tiếp cận kiến thức, bài học mới trong chuyển đổi số khó khăn.
“Ngành lâm nghiệp khả năng tiếp cận nguồn lực, tài chính cũng khó khăn hơn; ngân sách T.Ư dành cho ngành còn hạn chế”, ông Lượng nói.
Là người có nhiều thời gian gắn bó với ngành lâm nghiệp trong công tác quản lý và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, GS – TS Phạm Văn Điển nhìn nhận, chuyển đổi số trong lâm nghiệp cũng giống như các lĩnh vực khác, ngoài khó khăn chung thì ngành lâm nghiệp cũng gặp những khó khăn riêng khi đi tiên phong trong quá trình này.
“Chuyển đổi số phải hỗ trợ chủ rừng nhiều vấn đề liên quan. Ngoài năng lực, nguồn lực cũng phải tính đến các tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn từ cơ sở dữ liệu đã có thì kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp như thế nào, xử lý trường dữ liệu ra sao?”, ông Điển nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chuyển đổi số của ngành lâm nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhưng về cơ bản chưa có hệ thống. Các đơn vị đang xây dựng cơ sở dữ liệu số nhưng chưa nhất quán chung trong toàn ngành.
Nhấn mạnh thời gian tới phải xây dựng một phần mềm chung, đồng nhất để dùng cho toàn ngành mới mang lại hiệu quả tốt nhất, ông Thành đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp.
“Cần quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cần quan tâm hơn về nguồn lực cho chuyển đổi số ngành lâm nghiệp, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị đặc chủng, chuyên dùng như máy chủ kiểm kê tài nguyên rừng, thiết bị không người lái…”, ông Thành nói.