Theo đó, cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ III trên Tạp chí Lao động và Công đoàn được phát động từ ngày 30/10/2022 kết thúc nhận tác phẩm ngày 30/9/2023. Cuộc thi lần này, cùng với hai lần tổ chức trước đó, đã đưa Cuộc thi trở thành một hoạt động thường niên, mang thương hiệu của Tạp chí và được bạn đọc, bạn viết đón nhận, hào hứng tham gia.
Tính ngày 30/9/2023, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm của bạn viết trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi bài dự thi. Con số này nhiều gấp 3,5 lần Cuộc thi lần thứ I và gấp 2,5 lần Cuộc thi lần thứ II, trở thành Cuộc thi có số lượng bài dự thi nhiều nhất từ trước đến nay.
Qua cuộc thi nhiều hoàn cảnh đoàn viên, người lao động khó khăn được chăm lo thiết thực, hiệu quả; nhiều câu chuyện xúc động về tình người, tình công đoàn còn khuất lấp vì thế đã được rà soát, phát hiện, được biết tới qua các tác phẩm dự thi.
Ban Giám khảo vòng sơ khảo đã làm việc, thẩm định, lựa chọn 25 tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức đưa vào chấm vòng chung khảo. Căn cứ Thể lệ và Quy chế chấm thi, Ban Giám khảo vòng chung khảo đã làm việc thận trọng, khách quan, thống nhất xếp loại các giải chính thức gồm: 1 Giải Nhất; 2 Giải Nhì; 3 Giải Ba; 10 Giải Khuyến khích và các Giải Chuyên đề.
Ba tác phẩm được giải cao nhất của Cuộc thi là tác phẩm “Vượt lên chính mình” của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hằng, công tác tại Kho bạc Nhà nước Trà Vinh (giải Nhất); tác phẩm “Nơi thay đổi cuộc đời thợ mỏ” của tác giả Nguyễn Thị Hương Giang, công tác tại Công ty Than Dương Huy – TKV (giải Nhì) và tác phẩm “Bố nuôi tôi, người cán bộ công đoàn” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng, sinh viên Nhạc viện Hà Nội (giải Nhì).
Về Cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy”, trong vòng 1 tháng diễn ra Cuộc thi (từ ngày 19/8/2023 đến ngày 19/9/2023) đã có 363.167 người, thuộc 82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tham gia Cuộc thi. Trong đó, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 265.077 bài dự thi; Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có 98.032 bài dự thi.
Kết quả đã có 16.486 người trả lời đúng 100% câu hỏi trắc nghiệm. Trong đó Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An dẫn đầu về số người trả lời đúng câu hỏi (2.695 người); Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đứng vị trí thứ 2 (1.569 người); Ban Công đoàn Quốc phòng đứng vị trí thứ 3 (970 người); Công đoàn Thông tin và Truyền thông vị trí thứ 4 (710 người); Công đoàn Giáo dục Việt Nam đứng vị trí thứ 5 (688 người); liên đoàn lao động tỉnh Ninh Thuận (629 người)…
Cũng tại buổi Lễ trao giải, cán bộ phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn và các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 94 năm hình thành và phát triển, mục tiêu đổi mới gắn liền với đổi mới của tổ chức Công đoàn. Theo đó, Cách đây 94 năm, ngày 1/10/1929, Tạp chí Công hội đỏ, tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu tiên – “số đặc biệt”, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách.
Trải qua 94 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Tạp chí đã và đang ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao phó; là tiếng nói của tổ chức Công đoàn, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tại buổi lễ, tọa đàm về thách thức của người làm báo ở các tạp chí chuyên ngành trong kỷ nguyên số đã được diễn ra. Lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn và các đại biểu đã nêu ra những thách thức của người làm báo trong kỷ nguyên số. Những thách thức này đòi hỏi những người làm báo ở các tạp chí phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới…
Cũng tại buổi lễ, chương trình tọa đàm về cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác chăm lo đoàn viên, người lao động được được tổ chức. Chương trình tọa đàm cũng có sự góp mặt của một số đoàn viên, người lao động được tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo thiết thực, hiệu quả. Các đại biểu cũng chia sẻ về những kinh nghiệm, những hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho đoàn viên công đoàn, như: chương trình “Bữa cơm công đoàn” cho đoàn viên, người lao động, chương trình “Mái ấm Công đoàn”…
Trong khuôn khổ chương trình, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng trao tặng 50 triệu đồng cho người lao động, thân nhân người lao động có hoàn cảnh khó khăn.