Nhiều thai phụ ăn granola, tức hỗn hợp nướng yến mạch, các loại hạt, trái cây khô, như món nhẹ nhưng nên ít hơn 50 g mỗi ngày để mang đến lợi ích.
Granola là món ăn có nguồn gốc từ các nước Âu Mỹ, gần đây du nhập và phổ biến tại Việt Nam. Món này gồm hỗn hợp nướng yến mạch, macca, hạt điều, óc chó, hạnh nhân, nho khô, hạt chia, bột tạo hương vị… Granola dễ kết hợp với sữa tươi hoặc sữa chua không đường, trái cây.
Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, 100 g granola cung cấp 350-550 kcal, trong đó có khoảng 14-32 g chất béo và 20-54 g chất bột đường.
Granola dễ ăn nên nhiều thai phụ có thể ăn không kiểm soát định lượng. Một số mẹ bầu dùng thay thế cho bữa chính dẫn tới thừa năng lượng, gây hội chứng rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường thai kỳ.
Granola tạo cảm giác no lâu, đôi khi đầy bụng khiến mẹ bầu khó chịu, không ngon miệng. Lạm dụng thực phẩm này có thể làm mất cân đối các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể, ảnh hưởng tới tăng cân của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ nên hạn chế tiêu thụ granola thường xuyên. Vì trái cây sấy khô như nho khô, chuối khô và các loại hạt chứa hàm lượng chất bột đường cao. Thai phụ nên sử dụng khoảng 30 g mỗi ngày để kiểm soát lượng đường.
Mẹ bầu có các chỉ số sức khỏe ổn định nên giới hạn lượng granola tiêu thụ mỗi ngày khoảng 50 g. Nên ăn cân đối, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm chất bột đường (gạo, khoai củ và sản phẩm chế biến như mì, bún, miến), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm), chất béo (dầu thực vật, các loại hạt), vitamin và khoáng chất (rau xanh và quả chín).
Theo chuyên viên Quỳnh, tình trạng mất kiểm soát lượng chất đạm và chất béo rất phổ biến ở thai phụ Việt do quan niệm “mang thai phải ăn cho hai người”. Bữa ăn của người Việt thường có món xào, chiên, rán dùng mỡ động vật, không tốt cho sức khỏe.
Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trong thai kỳ.
Khuê Lâm