Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), nhờ vào sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các Bộ, ngành, thị trường bất động sản đã đi qua “vùng đáy”.
Tuy nhiên, về tổng thể thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, sự hồi phục đang thể hiện rõ nét tại TP.HCM. Nếu trong quý I/2023, thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng âm 16,2%. Đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục tăng trưởng âm 11,58%.
Đến cuối quý III/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng âm 8,71%, nhưng đã cho thấy các tín hiệu hồi phục. Sau 09 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.
Ông Châu cho biết, trong 09 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn, tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước) phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản cho thuê bao gồm nhà ở cho thuê, văn phòng cho thuê, mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại, dịch vụ vẫn còn rất khó khăn. Trong bức tranh còn tối màu của thị trường bất động sản thì vẫn có “điểm sáng” là thị trường bất động sản công nghiệp.
“Các biện pháp quyết liệt trên đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các Bộ, ngành đến các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư để vượt qua khó khăn, nâng đỡ niềm tin thị trường”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do các động lực.
Thứ nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản.
Do vậy, với nỗ lực của Quốc hội đang xem xét sửa đổi các Luật liên quan, cùng với đó là nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi ngay một số quy định “bất cập” của các văn bản dưới luật sẽ tạo ra động lực cho thị trường tăng trưởng.
Thứ hai, “Tổng cầu” nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp trong xã hội rất lớn.
Thứ ba, tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc, mặc dù hiện nay thu nhập của các tầng lớp dân cư nhìn chung đang bị sụt giảm.