Giá cà phê quay đầu giảm sâu, xuất khẩu cà phê hướng đến bền vững Tăng mạnh, giá xuất khẩu cà phê Arabica lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 |
Xuất khẩu cà phê chế biến tăng
Mới đây, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Phúc Sinh (Phúc Sinh Consumer) đã ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation để thúc đẩy phân phối sản phẩm cà phê mang thương hiệu K COFFEE tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản.
Phúc Sinh đưa thương hiệu thương hiệu K COFFEE vào thị trường Mỹ, châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản |
Sự kiện hợp tác lần này giữa Phuc Sinh Consumer và LNS International Corporation đánh dấu bước phát triển sâu hơn của thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới. Từ đây, nhiều người tiêu dùng quốc tế sẽ dễ dàng tiếp cận được sản phẩm cà phê nguyên chất, thượng hạng đến từ Việt Nam và do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại chứ không phải dưới mác công ty nước ngoài.
Đây chỉ là một trong những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao giá trị cho hạt cà phê – một trong những điểm sáng của xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, kim ngạch thu về tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD (đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay). Như vậy, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn.
Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD; cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD; cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.
Đáng chú ý, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).
Tính trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỉ USD; giảm gần 11% về số lượng và 1,2% về kim ngạch.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch VICOFA thông tin, giá cà phê xuất khẩu tăng cao đã tạo điều kiện tăng giá cà phê trong nước. Vài tháng gần đây, giá cà phê nhân trong nước dao động 60.000 – 68.000 đồng/kg (cao kỷ lục trong hàng chục năm qua), giúp giá trị niên vụ qua tăng mạnh.
“Nhiều quốc gia sản xuất cà phê bị giảm sản lượng, trong khi đó nhu cầu thế giới vẫn đang ở mức tốt, đặc biệt từ Trung Quốc. Do đó, già cà phê trong thời gian tới khả năng duy trì ở mức tốt so với mọi năm“, ông Nam nhận định.
Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực chế biến
VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023-2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 12/2023.
Nâng cao năng lực chế biến sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê (Ảnh: TTXVN) |
Dù giá cà phê đang cao nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, ngành hàng này sẽ gặp những khó khăn nhất định như: Diện tích suy giảm, chịu ảnh hưởng bởi quy định chống phá rừng và suy thoái rừng từ châu Âu…
Theo quy định này, 7 mặt hàng bao gồm: Cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu tương, gia súc, gỗ, cao su và các sản phẩm chế biến có liên quan như: Đồ gỗ, lốp, thịt đông lạnh, các sản phẩm in… sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường EU nếu sản phẩm được trồng trên đất phá rừng vào thời điểm từ 31/12/2020 trở lại đây. Từ tháng 12/2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tập đoàn lớn và tháng 6/2025 sẽ chính thức áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định này được xem như là rào cản cho hàng hóa nhập khẩu vào EU, trong đó có cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, dù đã tăng lượng cà phê chế biến xuất khẩu, song lãnh đạo VICOFA cũng nhìn nhận, ngành cà phê như các nông sản khác chủ yếu sản xuất xuất khẩu sản phẩm thô. Cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng và chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hơn cho chế biến cà phê. Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, sau xuất khẩu cà phê nguyên liệu, Phúc Sinh đã xuất cà phê thương hiệu riêng (K COFFEE) chứ không nhận gia công.
Để thương hiệu đi sâu vào kênh phân phối nước ngoài, Phúc Sinh đã ký kết với đối tác để đưa cà phê K Coffee vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ từ năm 2022. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Walmart, Faire. Sắp tới, K Coffee còn được đối tác này xuất khẩu sang EU, Úc, New Zealand và Nhật Bản từ tháng 12.
Ông Vương Văn Hải – Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La – cho biết, do diện tích ít, chỉ 20.000 ha nên nông dân phải tập trung vào cà phê đặc sản. Tuy không phải là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất nhưng cà phê có ưu điểm ổn định nên nông dân vẫn giữ vững diện tích.
“Đáng chú ý, trước đây, 80% cơ sở chế biến cà phê Sơn La là nhỏ lẻ nên chưa nâng được giá trị sản phẩm. Gần đây, tỉnh có chính sách thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn, công nghệ cao để nâng tầm cà phê Sơn La” – ông Hải thông tin.
Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ, Indonesia luôn bán cà phê nguyên liệu với giá cao nhất thế giới bởi họ có trụ đỡ là ngành chế biến cà phê chiếm đến 50% sản lượng sản xuất. Việt Nam khó hơn khi có sản lượng cà phê nhiều hơn Indonesia 3-4 lần nhưng tiêu thụ nội địa chỉ bằng một nửa. “Đầu tư vào chế biến cần vốn lớn, công nghệ, thương hiệu… Tín hiệu tích cực là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), không chỉ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư vào chế biến cà phê rất nhiều và đang nâng dần tỉ lệ cà phê chế biến xuất khẩu” – ông Nam dẫn chứng.