Việt Nam đứng thứ 65/137 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 2020-2022 về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, tăng 12 bậc so với Báo cáo 2022.
Báo cáo được công bố vào ngày 20/3, ngày được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc kể từ năm 2013.
Trong khi đó, Phần Lan tiếp tục giữ danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ sáu liên tiếp, tiếp theo là các quốc gia có thành tích cao thường xuyên như Đan Mạch, Iceland, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Luxemburg và New Zealand…
Afghanistan xếp hạng thấp nhất thế giới, tiếp theo là Lebanon, Sierra Leone, Zimbabwe và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia hạnh phúc nhất trong bảng xếp hạng này, đứng ở vị trí thứ 25. Malaysia và Thái Lan xếp trên Việt Nam, lần lượt ở vị trí thứ 55 và 60.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng của một quốc gia bao gồm GDP bình quân đầu người (quy mô và hiệu suất của nền kinh tế), hỗ trợ xã hội (về việc người dân có ai đó để nương tựa khi khó khăn), tuổi thọ và sự khỏe mạnh (ngoài tuổi thọ, còn bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần), quyền tự do lựa chọn cuộc sống (nhân quyền), sự hào hiệp (sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các công việc chung) và nhận thức về tham nhũng.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là ấn phẩm của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững, với dữ liệu do Gallup World Poll cung cấp.
Báo cáo đặc biệt trong thời điểm đại dịch
Bảng xếp hạng quốc gia năm nay dựa trên đánh giá cuộc sống vào các năm 2020, 2021 và 2022, vì vậy tất cả các quan sát đều được rút ra từ những năm có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao do COVID-19.
Theo nhóm tác giả, năm 2022 là một năm khủng hoảng, với nhiều biến động trên toàn cầu bao gồm đại dịch COVID-19 tiếp diễn, chiến tranh ở Ukraine, lạm phát trên toàn thế giới và một loạt các thiên tai, hiện tượng khí hậu cực đoan ở địa phương và toàn cầu.
“Do đó, chúng tôi có nhiều bằng chứng hơn khi đánh giá các phương diện của cuộc sống, như niềm tin và các mối quan hệ xã hội, cũng như khả năng của các quốc gia và của toàn thế giới trong việc thích ứng khi đối mặt với khủng hoảng. Phân tích chính của chúng tôi liên quan đến mức độ hạnh phúc, được đo lường bằng các đánh giá về cảm xúc trong cuộc sống, về việc các yếu tố này thay đổi như thế nào trong các tình huống khủng hoảng, và cuộc sống đã tốt đẹp hơn như thế nào khi lòng tin, lòng nhân từ và các kết nối xã hội tiếp tục phát triển”, theo các tác giả.
Báo cáo cũng cho biết: “Năm nay chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến việc phân bổ phúc lợi. Sự bất bình đẳng về phúc lợi đã tăng lên hay giảm bớt? Ở đâu và cho ai? Chúng tôi chia dân số quốc gia thành hai nửa hạnh phúc hơn và ít hạnh phúc hơn để cho thấy hai nhóm đã hoạt động như thế nào trước và trong đại dịch. Chúng tôi làm điều này để đánh giá cuộc sống cũng như nền tảng tình cảm, xã hội và vật chất của họ”.
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Sau thời gian ngăn chặn đại dịch và việc mở cửa trở lại các nền kinh tế trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi những quỹ đạo mới với tinh thần sáng tạo.
Đảng và Nhà nước đã đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thiết lập một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi, giúp phục hồi kinh tế bền vững.
Chính phủ cũng tăng cường đầu tư công và đưa ra các gói kích thích trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Việt Nam cũng đang thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, khôi phục xuất khẩu, giảm số doanh nghiệp phá sản.
Phương Anh