Ngày 11/11, tại TP. Lào Cai, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023.
Trung tâm kết nối giao thương
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Lào Cai là địa phương có vị trí địa kinh tế – chính trị chiến lược của cả nước và khu vực, được đánh giá là “cửa ngõ” và “cầu nối” quan trọng về giao thương, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà cả các nước ASEAN; là trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc – Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đóng vai trò “cửa ngõ” giao thương trong cung đường vận chuyển ngắn nhất từ Côn Minh ra biển Đông (Cảng Hải Phòng) với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối.
“Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía Bắc, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc” – Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị |
Theo Thứ trưởng, thực tế những năm qua, dịch vụ logistics đã khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và đối với ngành thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là nhân tố then chốt trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho cả tỉnh.
“Nhờ phát triển đúng hướng, chỉ trong hơn chục năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế – xã hội ở Lào Cai đã đổi thay nhanh chóng, từ thu không đủ bù chi, Lào Cai đã trở thành tỉnh đứng nhóm đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2011 – 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đạt 9,2%/năm; tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15,2%/năm, cao hơn mức bình quân của khu vực. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã phát triển theo đúng định hướng, tỷ trọng hàng hóa thông quan qua khu vực cửa khẩu quốc tế tăng dần đều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn” – lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Lào Cai đã và đang quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc.
Đến thời điểm này, Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước Asean với vùng Tây Nam – Trung Quốc… nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị |
“Về đường bộ, hạ tầng giao thông kết nối luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ đồng bộ triển khai thi công giai đoạn 2 tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn Yên Bái – Lào Cai). Về đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai lập Đề án tiền khả thi. Đối với cảng hàng không, tỉnh Lào Cai cũng đang triển khai thực hiện” – ông Trường thông tin.
Còn nhiều “điểm nghẽn”, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhìn nhận, hạ tầng kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logictics của Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản; chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường còn yếu; thông tin liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp chưa cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của hai bên.
Cùng ý kiến, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, hoạt động logistics tại Lào Cai và các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung vẫn còn một số hạn chế lớn. Cụ thể, hệ thống logistics, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn 1 số vấn đề như hạn chế trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logistics quy mô xứng tầm.
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, manh mún, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết; ứng dụng công nghệ đặc biệt trong thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới còn ở mức thấp; chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.
Ngoài ra, liên kết về logistics giữa các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa dễ bị tác động tiêu cực khi thị trường nước ngoài có biến động. Sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển bị kéo dài.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong logistics
Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động logistics tại Lào Cai, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, Lào Cai cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động thương mại biên giới và logistics qua địa bàn.
Đồng thời, tỉnh cần ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi”; dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics và chế biến nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.
“Lào Cai cần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong logistics ở cả lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa, các giải pháp trao đổi dữ liệu trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kiểm soát và quản lý hàng hóa” – Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ ở cả cấp quản lý và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.