BT- Tết Katê truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận vừa diễn ra để lại nhiều ấn tượng. Đâu đó vẫn đọng lại những ước mong về mùa màng bội thu, kinh tế khá giả và sung túc hơn trong năm mới.
“Mong năm mới sung túc hơn…” là một trong những điều được đồng bào cầu mong nhất. Hạn hán trong những năm vừa qua đã khiến cho đồng bào Chăm tại nhiều địa phương không thể canh tác, sản xuất nông nghiệp. Do không chủ động được nguồn nước tưới mà vụ lúa hè – thu năm 2015 đã không được triển khai tại huyện Tuy Phong. Tại xã Phú Lạc, người dân buộc phải chuyển đổi sang canh tác các loại rau ăn, hành, dưa… để có nguồn thu nhập cho gia đình. “Năm mới chỉ mong muốn mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, nước về nhiều hơn để mọi người yên tâm sản xuất lúa”, ông Đàng Hai – thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc cho biết. Còn tại huyện Bắc Bình, tuy ảnh hưởng của tình hình hạn hán nhưng với hệ thống thủy lợi, kênh tiếp nước về đến các thôn, xóm nên vụ lúa hè – thu 2015 diễn ra bình thường. Một số xã như Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Phan Điền, Phan Hòa, Sông Bình, Sông Lũy đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nước tưới. Nhờ vậy mà năng suất lúa đạt từ 6 – 7 tấn/ha.
Hiện bà con nông dân đang vào vụ lúa mùa thu – đông 2015 với nhiều tín hiệu lạc quan khi chủ động được nguồn nước tưới. Các hoạt động nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh cũng được đồng bào Chăm thực hiện nhằm sử dụng tối đa nguồn nước. “Mong các ngành chức năng tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng rộng khắp các đồng lúa để bà con yên tâm sản xuất lúa”, ông Quách Đức Tiến – xã Phan Thanh chia sẻ.
Có mặt tại di tích tháp PoShaInư Phan Thiết, rất đông du khách Chăm và khách du lịch đến tham dự nghi thức rước y trang Nữ thần PoShaInư lên tháp chính. Dịp Tết Katê, nhiều người Chăm đang sinh sống xa nhà cũng tranh thủ thời điểm này để về thăm gia đình. Vài ba ngày nghỉ này, họ đi thăm hàng xóm, thăm thú cảnh đẹp cùng người thân. Chị Mai Xuân Trâm (Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Tôi xa quê từ lúc 14 tuổi để vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, mỗi năm chỉ về quê được 2 lần là Tết Katê và Tết âm lịch của người Kinh nên rất trân trọng những khoảng thời gian tại quê nhà. Đồng bào Chăm hân hoan tham gia nhiều tiết mục văn nghệ, ẩm thực, biểu diễn nghề dệt, thi làm gốm, các trò chơi văn hóa dân gian như nhảy bao bố, cướp cờ, thi làm bánh gừng. Tiếng trống Baranưng, tiếng kèn baranai rộn rã cùng với những điệu múa, nghi lễ ấn tượng đã góp phần tạo nên những ngày hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm. Vượt qua những khó khăn của mùa màng và cuộc sống, Tết Katê trở thành thời điểm để người Chăm sum họp, gặp gỡ và chia sẻ, qua đó gắn kết cộng đồng, tạo nên một nét truyền thống đậm nghĩa tình.
H.Đ