Tăng mạnh, giá xuất khẩu cà phê Arabica lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023 Nâng cao năng lực chế biến, gia tăng giá trị cho xuất khẩu cà phê |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 6 – 12/11, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê tăng lần lượt 2,11% với Arabica hợp đồng tháng 12/2023 và 2,07% với Robusta hợp đồng tháng 1/2024. Đây là mức giá cao nhất 5 tháng qua.
Nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn kéo theo tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở hàng hoá liên lục địa (ICE) thấp nhất trong hơn 24 năm đã hỗ trợ giá tăng. Trái lại, triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tại Việt Nam lại góp phần làm dịu giá.
Tuần trước, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm 57.774 bao loại 60kg, mức sụt giảm kỷ lục trong một tuần, đưa tổng số cà phê đang lưu trữ hiện tại về 302.235 bao. Đây là mức tồn kho đạt chuẩn thấp nhất từng ghi nhận kể từ giữa tháng 4/1999.
Tuy vậy, hoạt động thu hoạch cà phê tại Việt Nam diễn ra ổn định làm tăng kỳ vọng nguồn cung vụ mới sớm ra thị trường. Điều này làm giảm bớt lo ngại về mức xuất khẩu thấp trước đó và góp phần ổn định tồn kho trên Sở ICE-EU đang dao động quanh 40.000 tấn.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê đi ngang, ổn định ở mức khá cao. Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 58.100 đồng/kg, giá mua cao nhất là 58.300 đồng/kg. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ cà phê 2023 – 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Sơn La đã thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 12/2023.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thông tin, niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), khó khăn nhiều hơn thuận lợi, dù vậy với sự năng động, nỗ lực của nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, kết quả xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 4,08 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành cà phê.
Về thị trường tiêu thụ, EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng đạt 615.364 tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 0,3% về trị giá so với niên vụ trước. Trong khối EU, xuất khẩu cà phê sang Đức đạt 203.317 tấn (giảm 5,9%), Italy đạt 146.684 tấn (tăng 6%), Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt 13,1% và 42,7%.
Thị trường EU đang chiếm tỷ trọng bình quân 39,3% (về sản lượng) và 37,6% (về trị giá) trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Với khối lượng xuất khẩu như vậy, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil.
Tuy vậy, những dự báo gần đây cho rằng để “kìm” đà giảm xuất khẩu và giữ thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian tới sẽ gặp những thách thức lớn. Nhất là từ ngày 1/1/2024, khi doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sang thị trường EU thì không chỉ dừng lại ở các quy định về môi trường mà còn có thêm quy định về lao động.
Xuất khẩu cà phê hướng đến bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường (Ảnh: TTXVN) |
Để phát triển cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần phải có chương trình hành động cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.
Trước tiên, ngành cà phê phải có kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh Châu Âu (EU) vừa ban hành. Trong đó, EUDR quy định cà phê, ca cao không được nhập khẩu vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ ngày 31/12/2020 đến nay).
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần áp dụng kỹ thuật số để thực thi Quy định chống phá rừng của EU trong ngành cà phê. Theo đó, việc thu thập dữ liệu là cần thiết ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng nếu các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam muốn duy trì hoạt động tại thị trường EU.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay mà ngành cà phê Việt đang phải đối mặt là chưa có một cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn. Trong khi đó, EUDR yêu cầu 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê vào châu Âu, phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.