Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau tại San Francisco, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tại đây, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giải quyết một loạt vấn đề gai góc từ thương mại, công nghệ đến đầu tư.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. (Nguồn: Global Times) |
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được cải thiện sau một loạt hoạt động ngoại giao trong mùa Hè. Nhưng theo các chuyên gia, họ không mong đợi những đột phá lớn trong lần gặp này. Dù vậy, việc tìm cách “trở lại con đường bình thường” – theo cách nói của Tổng thống Biden – có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là những vấn đề cần phải giải quyết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dòng chảy thương mại suy giảm
Trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ đã chỉ ra sự cần thiết phải “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc, trong đó, đề cập đến việc giảm tiếp xúc với thị trường và doanh nghiệp nước này mà không cắt đứt hoàn toàn quan hệ.
Chính quyền Tổng thống Biden đã xây dựng chiến lược này như một cách để quản lý khả năng Mỹ gặp phải tình trạng bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, đồng thời nhấn mạnh rằng, mục tiêu không phải là tách rời hoàn toàn các siêu cường kinh tế thế giới.
Theo Chenggang Xu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thể chế Trung Quốc tại Đại học Stanford, dữ liệu thương mại gần đây đã chứng minh sự thay đổi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông nói: “Trong thời gian khá dài, Trung Quốc luôn giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Bây giờ, Trung Quốc đứng ở vị trí số ba”.
Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Mỹ, trong 9 tháng đầu năm nay, Mexico và Canada đã vượt qua nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, chiếm lần lượt 15,7% và 15,3% trong tổng thương mại của Mỹ. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 11,1%.
Tuy nhiên, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Thương mại hàng hóa đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, gần 691 tỷ USD.
Vào tháng 9, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, 40% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát đang chuyển hướng hoặc có kế hoạch chuyển hướng đầu tư tại Trung Quốc.
Ông Chenggang Xu cũng chỉ ra rằng, một số công ty Mỹ đã hoàn toàn rời khỏi Trung Quốc, chẳng hạn như gã khổng lồ quản lý tài sản Vanguard.
Dữ liệu của Bắc Kinh cho thấy, các công ty nước ngoài đang chuyển tiền ra nước ngoài. Trong quý III/2023, thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm, sau 25 năm.
Các công ty không chỉ lo sợ bởi căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine làm nổi bật sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Moscow, mà còn bởi những rủi ro ngày càng tăng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cuộc chiến chip leo thang
Trong năm qua, Washington đã nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ.
Tháng trước, với lý do an ninh quốc gia, Mỹ cũng đã giảm các loại chất bán dẫn mà các công ty nước này có thể bán cho Trung Quốc, thắt chặt hơn nữa một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 10/2022.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, các biện pháp mới nhất là cần thiết để ngăn chặn khả năng sử dụng chất bán dẫn cho mục đích phát triển quân sự của Trung Quốc và khắc phục những lỗ hổng trong các quy định hiện hành. Đáp lại, Bắc Kinh đã cáo buộc Washington “vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ”.
Các hạn chế này tác động đến các công ty như Nvidia. Công ty nà đã buộc phải điều chỉnh các lô hàng chip cao cấp sang Trung Quốc và nhận thấy khả năng “mất cơ hội vĩnh viễn” về lâu dài.
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, đại diện cho các nhà sản xuất chip Mỹ, cho đến nay, Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 36% doanh thu của các công ty Mỹ. Hiệp hội đã kêu gọi cả hai nước giảm bớt căng thẳng thông qua đối thoại, nói rằng những hạn chế quá rộng có thể “khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm nơi khác”.
Về phía Trung Quốc, nước này cũng áp đặt các biện pháp kiềm chế của riêng mình. Tháng 8, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hạn chế xuất khẩu gali và gecmani, hai nguyên tố cần thiết để sản xuất chất bán dẫn.
Đến tháng 10, Bắc Kinh tiếp tục công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu than chì, một loại khoáng chất cần thiết để sản xuất pin cho xe điện. Trung Quốc viện dẫn lý do an ninh quốc gia cho cả hai biện pháp này.
Cuộc xung đột đã lan sang các nước khác. Những tháng gần đây, Nhật Bản và Hà Lan đã cùng với Mỹ thắt chặt xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến với lý do an ninh.
Trong năm qua, Washington đã nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Hạn chế đầu tư chặt chẽ hơn
Tháng 8, Washington tuyên bố sẽ hạn chế đầu tư vào công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc, bao gồm trí tuệ nhân tạpo (AI), điện toán lượng tử, chất bán dẫn. Các hạn chế đang được soạn thảo và có hiệu lực vào năm tới, bao gồm các khoản đầu tư của các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân của Mỹ, cũng như các liên doanh.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng, những hạn chế sẽ làm trầm trọng thêm hoạt động đầu tư giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo PitchBook, trong quý III/2023, các giao dịch đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc có sự tham gia của một nhà đầu tư Mỹ đạt tổng trị giá khoảng 300 triệu USD, giảm mạnh so với 2 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Một số công ty đã thực hiện động thái quyết liệt là tách hoạt động tại Mỹ và Trung Quốc.
Vào tháng 6, công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu toàn cầu Sequoia là công ty đầu tiên tuyên bố sẽ cắt hoạt động thành ba đơn vị phụ trách các khu vực khác nhau. Công ty GGV Capital ở Thung lũng Silicon cũng ra thông báo tương tự vào tháng 9.
Các nhà phân tích nhận thấy, nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục ở mức cao, hai quốc gia này có thể sẽ chứng kiến nhiều cuộc chia tay hơn nữa từ các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh lớn ở Trung Quốc như Apple, Tesla… cũng có thể phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.