Những xu hướng dạy học mới
Sáng 16.11, Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) cùng ĐH Curtin (Úc) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh lần thứ 14 với chủ đề “Tương lai của giảng dạy tiếng Anh: cơ hội và thách thức”.
Tại đây, tiến sĩ Rod Ellis, nhà lý luận hàng đầu về phương pháp dạy ngoại ngữ qua tác vụ và hiện là giáo sư nghiên cứu ưu tú tại ĐH Curtin (Úc), đề cập đến xu hướng phát triển năng lực ngữ dụng cho người học, tức năng lực dùng ngôn ngữ để đạt được mục đích giao tiếp trong bối cảnh văn hóa xã hội của ngôn ngữ đó, chẳng hạn như tiếng Anh.
Theo ông Ellis, tương tự quá trình học ngữ pháp, việc tiếp thu năng lực ngữ dụng là quá trình chậm rãi, tăng dần, gồm nhiều giai đoạn phát triển được xác định trước. Trong đó, ba yếu tố ảnh hưởng chính đến năng lực này là năng lực ngôn ngữ của người học, vai trò chuyển ngữ của tiếng mẹ đẻ và tình trạng học tập của người học. “Giáo viên có thể cung cấp những bối cảnh giao tiếp có ý nghĩa để tạo nhiều cơ hội đàm thoại hơn”, tiến sĩ Ellis lưu ý thêm.
Tiến sĩ Pamela Humphreys, Giám đốc Macquarie University College (Úc), đưa ra nhiều dự đoán về tương lai của việc dạy tiếng Anh. Ở cấp độ phổ thông, bà Humphreys nhận định sẽ có thêm chính sách và chương trình giảng dạy song ngữ, tích hợp nội dung và ngôn ngữ; xu hướng dạy ngoại ngữ ở độ tuổi “càng sớm càng tốt” sẽ thoái trào; và công nghệ sẽ được dùng nhiều hơn trong đánh giá và giảng dạy.
Bậc ĐH thì sẽ có thêm nhiều chương trình song ngữ, dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, cũng như tăng cường việc dùng tiếng Anh trong giờ học. Trong khi đó, với người trưởng thành, các xu hướng chính là nhu cầu học tiếng Anh tổng quát sẽ giảm; nhu cầu học tiếng Anh học thuật và tiếng Anh chuyên ngành sẽ tăng; và trải nghiệm học tập sẽ được tăng cường nhờ công nghệ.
Việc nói tiếng Anh như người bản xứ không còn là ‘tiêu chuẩn vàng’
Cũng theo bà Humphreys, nhu cầu về giáo viên tiếng Anh sẽ ngày càng tăng cao, nhất là ở nhóm thầy cô thông thạo công nghệ thông tin và có kiến thức liên ngành. “Đặc biệt, việc nói tiếng Anh như người bản xứ không còn là ‘tiêu chuẩn vàng’ phải tuân theo như trước. Không có lý do gì bạn phải nói tiếng Anh như người bản xứ, mà quan trọng nhất là chúng ta hiểu được nhau”, tiến sĩ Humphreys nhấn mạnh.
Đưa AI, board game vào lớp học
Một điểm nhấn trong hội thảo năm nay là có nhiều tham luận liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lớp học. Chẳng hạn, thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc phát triển Trung tâm Anh ngữ Origins, cho hay các công cụ AI như Microsoft Bing hay Google Bard có thể “cách mạng hóa” phương pháp dạy tiếng Anh theo nhiều cách nhờ khả năng sản xuất nội dung dựa trên truy vấn của người dùng.
Về độ hiệu quả, việc dùng công cụ AI để sáng tạo ý tưởng có thể nâng cao năng lực tự chủ học tập của sinh viên, theo bà Hà Nguyễn Tuyết Minh, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn và ông Nguyễn Dương Hoàng Minh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể hiểu sâu sắc hơn về bài đọc trong khoảng thời gian ngắn và dùng kết quả tạo ra từ AI để thảo luận hiệu quả hơn, tiến sĩ Greg Restall và tiến sĩ Toàn Phạm, cùng công tác tại ĐH Nam Úc, nhận định.
Một thực hành đáng chú ý khác là đưa board game vào lớp học của người lớn tuổi. Bà Ngô Thị Thảo My, sáng lập Easy English, nhận xét phương pháp này giúp giảm căng thẳng cho môi trường học tập, phát triển năng lực sáng tạo, mở rộng vốn từ, đào tạo não bộ và cải thiện trí nhớ. “Song, việc dùng board game dạy học cũng có hạn chế như không hỗ trợ nhiều ở kỹ năng đọc và viết hay tốn thời gian hướng dẫn”, bà My lưu ý.
Dạy học trực tuyến cũng là một vấn đề được đề cập. Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Luân, giảng viên cao cấp tại ĐH Tây Sydney (cơ sở Việt Nam), giáo viên phải đối mặt với nhiều thử thách khi dạy học trực tuyến ở trường phổ thông công lập, đặc biệt ở giai đoạn bùng dịch Covid-19. Cụ thể, 4 nhóm thử thách lớn lần lượt liên quan đến học sinh, nguồn lực, chính sách và phương pháp sư phạm của giáo viên.
“Đáng chú ý, khi bước vào giai đoạn bình thường mới và quay trở lại lớp học trực tiếp, nhiều giáo viên cảm thấy được ‘cởi trói’ và hoàn toàn mất động lực dạy học trực tuyến. Điều này khiến các thầy cô dần mất đi những kỹ năng công nghệ thông tin được đào tạo trong thời đại dịch. Vì thế, nếu đề cao việc dạy học trực tuyến nói riêng, sử dụng công nghệ thông tin trong lớp học nói chung, sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách là cần thiết”, ông Luân nêu quan điểm.
Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh lần thứ 14 thu hút hơn 180 đại biểu từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Hội thảo quy tụ hơn 50 bài báo cáo và chuyên đề tập huấn từ các chuyên gia hàng đầu về những lĩnh vực như kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp cải tiến, phát triển tài liệu giảng dạy, kiểm tra và đánh giá ngôn ngữ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…