Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.337 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào. Chính vì vậy, công tác quản lý biên giới trong thời gian vừa qua không chỉ có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng chức năng, mà có sự đóng góp không nhỏ của người dân Việt Nam và Lào giáp biên.
Công tác quản lý biên giới – điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet.
Trao đổi với phóng viên một số cơ quan báo chí vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác biên giới Việt Nam – Lào thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định: Thời gian qua với sự nỗ lực của lực lượng chức năng hai nước, đường biên giới, mốc quốc giới Việt Nam – Lào luôn được quản lý, bảo vệ giữ gìn ổn định. Để đạt được thành quả đó luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín ở khu vực biên giới.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh Internet.
Qua hoạt động sản xuất, lao động hàng ngày, nhân dân hai bên biên giới đã tích cực tham gia giám sát, theo dõi tình hình sự ổn định của đường biên và kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng hai bên về hiện trạng, tác động của con người và thiên nhiên đến đường biên giới, hoạt động của các loại tội phạm; hoạt động xâm canh, xâm cư; khai thác vận chuyển lâm sản; vượt biên trái phép, v.v… từ đó, đã giúp cho lực lượng chức năng của hai bên phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước.Đây là đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào, chính vì vậy cần có sự phối hợp giữa người dân, cư dân hai bên biên giới Việt Nam và Lào.
Trong thời gian qua, hai nước chủ động, các thôn, bản của 10/10 tỉnh của hai nước đã tổ chức hơn 100 cụm, bản dân cư kết nghĩa. Hình thức này mang ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, trong đó, kết quả nổi bật nhất, dễ nhận thấy nhất là tình hình an ninh trật tự, chính trị, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững. Thông qua hoạt động giao lưu nhân dân đặc biệt này, cộng đồng dân cư hai bên biên giới không chỉ có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc, mà còn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò của người dân giữa hai bên biên giới giữa Việt Nam và Lào hết sức quan trọng trong công tác quản lý biên giới.Có thể khẳng định, muốn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trước hết phải dựa vào dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, cùng ăn, cùng ở với dân. Phát huy vai trò quần chúng nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân hai bên biên giới, củng cố, phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam nói chung.
Có thể nói, công tác quản lý biên giới thời gian vừa qua là một trong những điểm sáng trong sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào. Đã có những thuận lợi rất quan trọng, đó là việc đã hoàn thành công tác xác lập đường biên giới chung với chất lượng cao nhất sau khi kết thúc dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giói Việt Nam – Lào và khuôn khổ pháp lý cho công tác phối hợp quản lý biên giới cũng được hoàn thiện thông qua việc ký kết 2 văn kiện pháp lý là: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào ngày 16/3/2016.Chính vì vậy, định hướng công tác quản lý biên giới giữa Việt Nam và Lào trong thời gian tới chính là phối hợp tổ chức thực hiện tốt 02 văn kiện pháp lý đã ký kết năm 2016, mà trọng tâm là: Thứ nhất, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý biên giới, góp phần tạo nền tảng, tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới.
Chính vì vậy, công tác này cần tiếp tục được làm nhiều hơn, bài bản hơn.Thứ hai, do đường biên giới giữa Việt Nam và Lào là đường biên giới dài nhất trong các tuyến biên giới trên bộ, rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Việc tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và người dân cũng như người dân giữa hai bên trong công tác quản lý đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm ở trên biên giới, các loại hình tội phạm mới, xuyên biên giới.Thứ ba, cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo sự ổn định của đường biên, mốc giới trên thực địa, do đây là khu vực chịu tác động rất nhiều bởi thiên nhiên, lũ lụt. Nhiều khu vực sống núi biên giới, bờ sông suối biên giới và khu vực cột mốc cần tiếp tục được đầu tư kè gia cố bảo vệ.Đến nay Việt Nam đã duy trì được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Tới đây, cần nỗ lực để thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, giao thông vận tải… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, từng bước đưa vùng biên giới của Việt Nam – Lào trở thành vùng biên giới phát triển, tạo thêm các xung lực cũng như các dư địa để phát triển mới. Để làm tốt đươc việc này, hai bên cần có giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch qua biên giới, đặc biệt là tập trung vào việc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới một cách bài bản, phù hợp với nhu cầu thực tiễn; nâng cao hơn nữa cơ sở hạ tầng biên giới, đặc biệt là hạ tầng cửa khẩu, để từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản suất kinh doanh, trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên, qua đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn củng cố tình hữu nghị, đoàn kết cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng ở vùng biên giới hai nước./.
vietnam.vn