Sau một thời gian tăng trưởng tốt, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Anh chững lại trong tháng 9, giảm 36% so với cùng kỳ 2022, theo VASEP.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lũy kế 9 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang Anh tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, trong tháng 9, xuất khẩu đã chững lại, giảm 36% sau thời gian tăng trưởng tốt.
Về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất thịt, lon cá ngừ đông lạnh – tức chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng cá ngừ tươi, đông lạnh của Việt Nam sang Anh đang tăng mạnh.
Trong những tháng đầu năm 2023, Anh là nước có tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm cao nhất trong các nền kinh tế lớn. Lạm phát cao đã ảnh hưởng tới doanh số bán hải sản, trong đó có cả cá ngừ, tại nước này. Nhu cầu với các sản phẩm cá ngừ và các loại hải sản bảo quản được lâu như cá ngừ đóng hộp, đóng túi giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Kantar Worldpanel, tốc độ lạm phát hàng hóa thực phẩm tại Anh đã giảm trở lại mức một con số lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022. Tỷ lệ lạm phát thực phẩm hàng năm tại Anh ở mức 9,7% trong 4 tuần tính đến ngày 29/10. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy khả năng thị trường cá ngừ nước này sẽ hồi phục.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Anh là một trong 10 thị trường nhập cá ngừ lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13 trên 45 tại Anh, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu.
Một tháng trước, VASEP dự báo những tháng cuối năm có thể là cơ hội cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Nguyên nhân hiện tượng El Nino kéo dài khiến cho lượng mưa tại kênh đào Panama giảm, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của các nước Nam Mỹ, trong đó có Ecuador, sang các nước châu Âu.
Tuy nhiên, Việt Nam có bất lợi là yêu cầu các sản phẩm khai thác của Anh tương đương EU, trong khi thủy sản Việt đang chịu lệnh áp “thẻ vàng”, từ đó, giảm sức cạnh tranh.
Đức Minh