Tham gia đoàn công tác của phái đoàn EU tại Việt Nam tới làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường có các Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Nicolai Prytz; Đại sứ Bun-ga-ri tại Việt Nam, Pavlin Todorov; Đại sứ Italy tại Việt Nam, Marco della Seta; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Ann Måwe; Đại sứ Áo tại Việt Nam, Hans-Peter Glanzer; Phó Đại sứ Seán Farrell, Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam; Phó Đại sứ Cécile Vigneau, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Phó Đại sứ Jaroslav Zukerstein, Đại sứ quán Cộng hòa Séc; Cố vấn thứ nhất Rui Ludovino, Phái đoàn EU tại Việt Nam; Bí thư thứ nhất phụ trách Khí hậu và Tài nguyên nước Willem Timmerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam; Bí thư thứ nhất Ainara Gómez, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Julien Guerrier cho biết, EU đánh giá rất cao Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều này thu hút được doanh nghiệp EU. Ông Julien Guerrier hy vọng tại COP28 sắp diễn ra, Việt Nam sẽ chia sẻ cho thế giới biết những chương trình, giải pháp của mình trong công tác chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, kể từ năm 1990 đến nay EU đã nỗ lực rất nhiều để vừa giảm phát thải tới 30% và vẫn đạt tăng trưởng GDP cao gấp đôi (60%). Hiện nay EU đang đưa ra những mục tiêu rất cao về tham vọng giảm phát thải khí nhà kính, khí metan, sử dụng năng lượng hiệu quả… và tại COP28 lần này, EU mong muốn Việt Nam tham gia cùng để hướng đến mục tiêu chung vào năm 2050. Đại sứ Julien Guerrier cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ công tác chuẩn bị cho COP28 năm nay và các chương trình đã triển khai để thực hiện cam kết tại COP26.
Vui mừng chào đón Ngài Đại sứ Trưởng phái đoàn EU cùng các vị Đại sứ các nước thành viên đến thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa EU, cùng các nước thành viên trong Nhóm châu Âu (Team Europe) và Việt Nam ngày càng bền chặt, ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực chất.
Bộ trưởng thông báo với các Đại sứ rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam dự COP28, điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với Hội nghị này.
Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam; là nơi gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi về biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như kết nối các hoạt động với các nước trên thế giới. Việt Nam sẽ có các hoạt động như: Lễ ra mắt Kế hoạch Huy động nguồn lực Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, hay các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay công tác chuẩn bị đã gần hoàn thiện, Bộ trưởng hy vọng có thể đón tiếp đại diện của EU tại gian triển lãm của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tại Hội nghị COP28, Việt Nam mong muốn các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện NDC với mức tham vọng cao hơn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với tác động ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu.
Về một số hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó BĐKH; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của BĐKH.
Thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền theo Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt. Xem xét đề ra chính sách có lộ trình để loại bỏ năng lượng hoá thạch nhưng vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Bộ trưởng đề nghị EU hỗ trợ nguồn lực tài chính cũng như kỹ thuật giúp Việt Nam luật hóa các cam kết tại COP26, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cùng nhau trao đổi về các nội dung liên quan đến kế hoạch dài hạn để giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu của tất cả các bên tham gia UNFCCC và NDCs; Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); Tăng cường khả năng thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Huy động nguồn vốn, nguồn lực để phục hồi tổn thất, thiệt hại; Tạo ra các dòng tài chính phù hợp với lộ trình hướng tới mức phát thải nhà kính thấp và phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh hy vọng, sau COP28, EU cùng với các nước thành viên sẽ tích cực dành sự hỗ trợ tốt nhất có thể cho Việt Nam về tài chính, tăng cường năng lực quản trị, công nghệ cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ngoài ra, hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế, trong đó tập trung hỗ trợ kỹ thuật hoàn thiện các văn bản pháp lý, đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ tham gia vận hành thị trường này; hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành hệ thống thương mại phát thải của châu Âu trong quá trình Việt Nam xây dựng thị trường các-bon trong nước; các hoạt động phát triển thị trường các-bon, quản lý hạn ngạch phát thải; Hợp tác triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, các dự án chuyển đổi giao thông sạch, nhất là các dự án năng lượng mới như hydrogen xanh…
Về những nội dung này, Đại sứ Julien Guerrier thống nhất sẽ chia sẻ, làm việc với các cơ quan liên quan để đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ Julien Guerrier cho biết, trên vai trò là Trưởng phái đoàn Liên minh Châu âu tại Việt Nam, Đại sứ mong muốn sẽ là cầu nối để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.