Campuchia yêu cầu gỡ video của một TikToker Việt quay ở đền Angkor Wat với trang phục không phù hợp và ghép hình nhà vua cùng cờ Thái Lan.
Video do Hứa Quốc Anh, TikToker sống ở TP HCM, thực hiện ở đền Angkor Wat nổi tiếng của Campuchia ngày 30/10. Trong video xuất hiện trên mạng xã hội khoảng một tuần gần đây, một cô gái mặc đồ hồng, cầm gậy đi dạo quanh đền Angkor Wat và được lồng ghép hình ảnh cờ, vua Thái Lan, kèm theo âm thanh “Hello Thailand” (Xin chào Thái Lan).
Hôm 12/11, Cơ quan Bảo tồn Di sản Thế giới Angkor Wat (Apsara) đánh giá video gây ảnh hưởng đến văn hóa, di sản của Campuchia và cho biết đã yêu cầu mạng xã hội TikTok ngăn chặn. Apsara cũng kêu gọi người dùng mạng không tiếp tục chia sẻ, ủng hộ những hành động tiêu cực. Video hiện bị gỡ trên nền tảng TikTok.
Apsara cho biết vào ngày 30/10 họ đã cấm nhóm du khách nước ngoài thực hiện ghi hình với “trang phục sáng tạo” tại Angkor Wat. Cơ quan này cũng yêu cầu nhóm xóa một số hình ảnh không phù hợp. Tuy nhiên, nhóm khách vẫn sử dụng điện thoại di động, có thể được cất giấu, để quay hình với mục đích “bất chính”.
Kim Phalet, hướng dẫn viên du lịch quốc tế Capuchia, cho biết Campuchia và Thái Lan từng có tranh chấp liên quan đến đền Preah Vihear ở biên giới. Do đó, hành động chèn hình ảnh Thái Lan vào video quay ở Angkor Wat khiến người Campuchia phẫn nộ. Ngoài ra, Kim nói du khách mang theo ê kíp, sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp nhưng mặc trang phục không phải của Campuchia cần xin giấy phép trước.
Theo Apsara, nhiệm vụ của họ là quản lý, bảo tồn Angkor Wat, đồng thời “hài hòa trải nghiệm du lịch với an toàn công cộng và sự tôn trọng với cộng đồng bản địa”.
Trả lời VnExpress, Hứa Quốc Anh từ chối chia sẻ lý do quay video ở Campuchia nhưng lại chèn hình ảnh, âm thanh liên quan đến Thái Lan. Tuy nhiên, anh cũng nhận lỗi và “mong được tha thứ”.
Quần thể đền đài Angkor Wat tại Angkor, Siem Reap, Campuchia, là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 160 ha (có tài liệu ghi khoảng 200 ha), được xem là đỉnh cao phong cách kiến trúc Khmer. Angkor Wat là trái tim và linh hồn, niềm tự hào của người dân Campuchia. Năm 1992, UNESCO công nhận Angkor Wat là di sản văn hóa thế giới.
Tú Nguyễn