Trong khuôn khổ Tuần lễ Ẩm thực Italy tại Việt Nam, ngày 14/11 đã diễn ra Hội thảo “Giải mã tác dụng chưa từng được nhắc tới của thực phẩm lên men trong đời sống hàng ngày”, thu hút sự tham gia của các giáo sư trong ngành công nghệ thực phẩm và các chuyên gia ẩm thực quốc tế, đem tới cho khán giả cả góc nhìn khoa học lẫn góc nhìn đời sống cho những món ăn được chế biến từ phương pháp lên men.
Đầu bếp Italy thực hành làm thực phẩm lên men tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Châu) |
Tới từ 2 nền văn hóa khác biệt nhưng ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Italy có nhiều điểm chung bất ngờ, một trong số đó phải kể đến phương pháp chế biến thực phẩm bằng cách lên men. Nước mắm của Việt Nam và phô mai của Italy đều là những nguyên liệu sở hữu hương vị đặc trưng của nền ẩm thực 2 quốc gia, hương vị đặc trưng đó có được là nhờ quá trình lên men của các vi sinh vật. Lên men có thể coi là một trong những phương pháp chế biến đầu tiên được con người áp dụng để bảo quản thực phẩm.
Lên men (fervere) trong tiếng Latinh có nghĩa là làm chín. Chúng còn được hiểu là “sự sống thiếu không khí”, vì hầu hết các vi sinh vật tham gia vào quá trình này đều “sinh trưởng” trong điều kiện yếm khí. Tại Hội thảo, Giáo sư Francesca De Filippis tới từ Đại học Federico II Napoli đã nêu rõ những ưu điểm của vi sinh vật lên men trong việc gia tăng hương vị và đem lại lợi ích cho sức khoẻ.
Thực phẩm lên men hoạt động như một chất bổ sung lợi khuẩn tự nhiên, cung cấp cho đường ruột những vi khuẩn có lợi. Giáo sư cũng nhận định rằng còn rất nhiều tiềm năng khi nói tới những ưu điểm của hệ vi sinh vật lên men trong những món ăn truyền thống.
Thông qua buổi Hội thảo, người tham dự cũng có cơ hội nắm bắt những phương pháp lên men trong quá trình làm nước mắm cá cơm, hay các loại nước tương đặc trưng của Việt Nam thông qua phần trình bày của Giáo sư Trịnh Ngọc Nam (Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh). Khán giả cũng tỏ ra rất hào hứng trước những thông tin lịch sử về những món ăn lên men truyền thống trong ẩm thực Việt của Giáo sư Nguyễn Văn Lợi, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hồng Châu) |
Sự kiện cũng đánh dấu sự đồng hành của Cộng đồng Đồ ăn chậm Hà Nội, Hiệp hội Parma Ham, và Hiệp hội Tecolino Romano trong việc giới thiệu những món ăn ngon và bổ dưỡng, lấy cảm hứng từ nền ẩm thực Italy.
Buổi Hội thảo kết thúc bằng một phần thực hành, nơi toàn bộ khách mời được thưởng thức các món ăn lên men đặc sắc từ cả Việt Nam và Italy. Sự giao thoa của hai nền ẩm thực này không chỉ là một trải nghiệm thỏa mãn về hương vị mà còn là cơ hội để hiểu sâu hơn về tác dụng lợi ích của thực phẩm lên men trong đời sống hàng ngày.
Buổi Hội thảo này là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Ẩm thực Italy lần thứ 8 tại Việt Nam (từ 13/11-19/11), đây là một sáng kiến hàng năm với sự tham gia của toàn bộ mạng lưới các cơ quan ngoại giao của Italy.
Với chủ đề: “Thưởng thức Ẩm thực Italy: Hương vị thăng hoa với nguyên liệu lành mạnh”, Đại sứ quán Italy mong muốn lan tỏa tới cộng đồng những thông tin, kiến thức về nền ẩm thực xứ Địa Trung Hải đầy bổ dưỡng và lành mạnh, cũng như quảng bá sự đa dạng của nền văn hóa ẩm thực Italy tới những người yêu ẩm thực và trải nghiệm văn hóa.
Các hoạt động khác diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Ẩm thực Italy: Triển lãm “Hương vị! Người Italy và Ẩm thực giai đoạn 1970-2050”, tác phẩm nghệ thuật miêu tả sự phát triển thói quen ăn uống của người Ý trong quá khứ, hiện tại và tương lai (15-22/11). Triển lãm “Hương vị Italy: Trưng bày các sản phẩm đậm chất Italy”, phối hợp cùng Thương vụ Italy (16/11). Lễ hội rượu vang Casa Italia, sự kiện nếm thử rượu vang Italy kéo dài hai ngày với sự góp mặt của các nhà phân phối rượu vang lớn tại Việt Nam (từ 18-19/11). |