Bộ GD&ĐT trình Chính phủ 3 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Cụ thể, phương án một: 2 + 2 – thí sinh thi 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương án hai: 3 + 2 – thí sinh thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn (Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương án ba: 4 + 2 – thí sinh thi 4 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Trong ba phương án nêu trên, Bộ GD&ĐT đề xuất chọn phương án một với mục đích nhằm giảm tải áp lực thi cử cho thí sinh, tạo điều kiện để các em tự do lựa chọn, phát huy hết khả năng, sở trường học tập. Đồng thời, việc để học sinh tự chọn 2 môn thi giúp các em có định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích của bản thân.
Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trong quá trình khảo sát 17.981 giáo viên, gần 60% chọn phương án 2+2. Đồng thời, phần lớn các chuyên gia, địa phương đồng thuận với phương án này.
Lựa chọn 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi 13 buổi, giảm 1 số buổi thi so với hiện nay.
Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Đồng thời, phương án này tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.
Hà Cường