Một số nhà đầu tư mua phần vốn cổ phần hóa qua đấu giá nhưng khi có sai sót nội bộ từ bên bán lại phải hủy giao dịch, trả lại tài sản, theo VCCI.
Việc cổ phần hóa hiện nay chỉ đạt được 30% kế hoạch. quá trình này cũng bị cơ quan thanh tra kết luận có sai phạm tại một số đơn vị, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước.
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, trong 10 tháng qua không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong tháng 10, không phát sinh doanh nghiệp thoái vốn.
Góp ý Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra nguyên nhân khiến một số nhà đầu tư không mặn mà vào các thương vụ mua vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
“Một số nhà đầu tư nói rất ngần ngại vì rủi ro pháp lý quá lớn”, VCCI cho biết. Nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân đã bỏ tiền mua lại phần vốn qua đấu giá công khai, nhưng khi phát hiện những sai sót nội bộ từ phía bên bán, phải hủy giao dịch, trả lại tài sản. Điều này khiến các nhà đầu tư không muốn tham gia dù có khả năng quản trị doanh nghiệp được bán tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế.
Do đó, VCCI cho rằng, Bộ Tài chính, ở vai trò cơ quan soạn thảo, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia các vụ mua vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong trường hợp bên mua không biết và không có nghĩa vụ phải biết trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch, quyền tài sản của họ cần được bảo vệ.
Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không gian lận, có nhiều người tham gia đấu gia độc lập thì kết quả đấu giá phải được bảo vệ.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác khiến cổ phần hóa chậm như bên mua thường nhìn vào giá trị khu đất “vàng” của doanh nghiệp nhà nước, nên khi không còn địa tô chênh lệch thì không hấp dẫn. Nhiều phương án sử dụng đất không được chính quyền địa phương phê duyệt, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá; Các bộ ngành doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 đơn vị với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Đức Minh