Giữa đất vùng xa Đạ Đờn, Lâm Hà có một khu nhà kính hiện đại của một nông dân còn rất trẻ. Điều đặc biệt là không chỉ mang lại sự khấm khá cho riêng gia đình mình, bạn trẻ ấy còn khuyến khích, hỗ trợ người xung quanh cùng phát triển nông nghiệp hiện đại, góp phần thúc đẩy cả cộng đồng phát triển.
Phạm Công Huy trong vườn ớt chuông |
• LÀM TỪ NGỌN ĐẾN GỐC
Giữa đất thôn An Phước, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, có một khu nhà kính khang trang, hiện đại. Nhà kính chuyên trồng ớt chuông, thứ ớt trái to, ngọt, đặc sản Lâm Đồng. Đó là khu nhà kính của hai anh em, trong đó, người chủ chốt, tiên phong là Phạm Công Huy, sinh năm 1997. Ở tuổi 26, Phạm Công Huy đã gắn bó với cây ớt ngọt 3 năm và đang thúc đẩy nhiều nông hộ cùng canh tác.
Khu nhà kính của Phạm Công Huy được dựng từ năm 2019, sau quá trình Huy đi thực tập về canh tác ớt công nghệ cao từ nhà vườn tại Nam Ban. Trực tiếp làm việc và học nghề từng khâu trong nhà kính, sau nhiều tháng, Huy về và tự dựng nhà kính của riêng mình. Bạn trẻ đầu tư bài bản, từ mua bịch, mua giá thể về xử lý, hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho tới bộ châm phân tự động. Có điều, Huy chủ động làm tất cả các công đoạn có thể để giảm chi phí. Huy chia sẻ: “Đầu tư trồng ớt ngọt có hai vấn đề lớn nhất, đó là đầu tư ban đầu cao và kỹ thuật canh tác khó. Vì vậy, em luôn chủ động làm tất cả những việc có thể để giảm chi phí đầu tư”.
Huy nhấn mạnh, một sào ớt ngọt thường trồng 4 ngàn cây. Thay vì mua bịch có sẵn giá thể qua xử lý, Huy mua bịch, mua giá thể thô về tự xử lý để giảm chi phí. Cây ớt giống, Huy cũng tự mua hạt từ công ty về ươm trồng, không nhờ vườn ươm gia công. Mỗi chút, mỗi chút tiết kiệm, người bạn trẻ đã tiết kiệm được từ 1.500 – 2.000 đồng/gốc ớt. Huy đánh giá: “Hạt ớt thực ra rất mau lớn, ươm hạt 1 tuần là bắt đầu nảy mầm, 1 tháng là có thể trồng vào bầu. Sau 2 tháng là ớt bắt đầu cho trái nên em chủ động làm giống để vừa tiết kiệm, vừa tính toán được thời gian xuống giống đúng kế hoạch, không phụ thuộc vào vườn ươm”.
Cũng để tính toán mức độ đầu tư cũng như sự phù hợp của giống ớt với khí hậu Đạ Đờn, Phạm Công Huy chọn giống ớt Massilia, giống ớt chuông có khả năng kháng bệnh tốt, nhanh cho trái và giá hạt khá thấp. Huy cho rằng, giống ớt này có thể hái xanh, cũng có thể hái chín tùy nhu cầu của khách hàng nên phù hợp với những nông hộ mới bắt tay vào canh tác ớt.
• CÙNG BÀ CON LÀM ỚT CÔNG NGHỆ CAO
Sau 3 năm làm nhà kính hiện đại trồng ớt chuông, Phạm Công Huy đã cho thấy tương lai cây ớt trên đất Đạ Đờn. Huy chia sẻ, ớt Massilia trồng khoảng 3 tháng là có thu hoạch. Như vườn của Huy, 10 ngày thu hoạch 1 lần, năng suất xấp xỉ 2 – 2,5 tấn/sào/tháng. Thường 2 sào nhà kính, Huy thu được 4 – 5 tấn ớt trái/tháng. Và vườn ớt sẽ cho thu liên tục từ 8 – 10 tháng. Với giá bán trung bình 30 – 35 ngàn đồng/kg, Huy nhận định cây ớt là cây có thể cho người nông dân thu nhập cao trong nông nghiệp. Huy cung cấp con số cụ thể: “Một sào nhà kính trồng ớt, tính cả giá thể và giống khoảng 300 triệu đồng. Nếu đảm bảo năng suất, chỉ sau 18 – 20 tháng, khoảng 2 vụ là nông dân có thể thu hồi được vốn”.
Từ tấm gương của Phạm Công Huy, bà con xung quanh đã bắt đầu học theo, làm nhà kính trồng ớt. Bùi Thanh Phi Vũ, anh rể của Huy đang bắt đầu thu lứa ớt đầu tiên từ 2 sào nhà kính mới làm. Vũ cho biết, thấy Huy làm hiệu quả, nhiều bà con, bạn bè bắt tay học theo. Và người bạn trẻ không hề giấu nghề. Huy ươm giống, cung cấp cho các nhà vườn với giá rẻ hơn vườn ươm khác, chất lượng được đảm bảo. Bạn tới vườn, hướng dẫn bà con cài đặt hệ thống tưới tự động tùy vào thời điểm sinh trưởng của cây ớt. Lượng dinh dưỡng, phân bón, thuốc ngừa bệnh, Huy đều hướng dẫn cụ thể để bà con làm theo.
Huy còn thành lập liên kết trồng – bảo đảm năng suất, đầu ra với nông hộ. Một số hộ đã tham gia với mô hình nông dân đầu tư nhà kính, Huy cung ứng giống, phân bón, thuốc, hướng dẫn kỹ thuật và sau khi có sản phẩm sẽ được chia theo tỷ lệ, Huy 30%, nông hộ 70%. Huy cười cho biết, giờ hướng dẫn bà con khá dễ bởi thông tin thuận lợi. Bạn lập nhóm zalo, mỗi ngày các vườn ghi chép, đo pH, báo cáo phân, thuốc qua zalo để Huy hướng dẫn rất chi tiết.
Ông Ha My – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Đờn cho biết, Phạm Công Huy là nông dân trẻ, ham học hỏi, dám làm và rất sẵn sàng chia sẻ. Xã tổ chức hội thảo hướng dẫn bà con và Phạm Công Huy sẵn sàng chỉ dẫn kỹ thuật, đầu ra cũng như các “bí quyết” canh tác ớt ngay tại vườn nhà, với lòng nhiệt tình của người trẻ gắn bó với quê hương.