Cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí – vốn vẫn được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” – tại quốc gia Nam Á này vì thế, vô cùng nan giải. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đến nay, hiệu quả đạt được dường như vẫn chỉ là “muối bỏ biển”.
Quốc gia có hơn 2/3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Ô nhiễm không khí đã bị xem là vấn nạn tại Ấn Độ từ nhiều thập kỷ qua. Năm 2016, chỉ trong vòng một tuần đầu tiên của tháng 11, khoảng 1.800 trường tiểu học với hàng triệu học sinh Ấn Độ đã buộc phải nghỉ học vì ô nhiễm không khí quá cao ở thủ đô New Delhi.
Cư dân thành phố cho biết họ không thở được, chảy nước mắt, ho và hắt hơi liên tục. Hàng chục ngàn công nhân báo ốm và xếp hàng dài tại những quầy thuốc để mua khẩu trang. Chính quyền Delhi đã phải đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm bớt mức ô nhiễm không khí, bao gồm việc tạm ngừng các hoạt động xây dựng và phá dỡ công trình trong vòng 5 ngày, cho xe phun nước rửa đường nhằm hạn chế bụi và nghiêm cấm đốt rác.
Chính quyền Delhi cũng kêu gọi người dân nên ở trong nhà, tránh ra ngoài nếu không cần thiết. Thời điểm đó, chỉ số ô nhiễm không khí đã lần đầu tiên vượt 1.000 microgram/m3 tại một khu vực ở phía Nam thủ đô New Delhi, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được xem là tệ nhất trong vòng 20 năm tại quốc gia Nam Á này. Cũng tại thời điểm năm 2016, WHO đưa ra số liệu cho biết, trong số 7 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu mỗi năm do tình trạng ô nhiễm không khí, hơn 1/3 là từ Ấn Độ.
Những năm sau đó, vấn nạn ô nhiễm vẫn không ngừng đeo bám Ấn Độ, nếu không muốn nói là diễn tiến theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô New Delhi cao gấp 20 lần so với mức WHO khuyến cáo. Who cũng cảnh báo ô nhiễm khói bụi có thể khiến hơn 1 triệu người dân Ấn Độ tử vong mỗi năm.
Tòa án Xanh Quốc gia của Ấn Độ đưa ra tuyên bố, nguồn nước sông Hằng không thể uống cũng như tắm vì nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2019, báo cáo do tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) có trụ sở tại Hà Lan công bố, trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới có tới 7 thành phố ở Ấn Độ.
Trong đó, Gurugram, một vùng ngoại ô thủ đô New Delhi, là nơi ô nhiễm nhất, với chỉ số chất lượng không khí (AQI – đo mức bụi siêu vi PM2.5 trong không khí) trung bình ở mức 135,8 cao gấp 3 lần mức an toàn đối với sức khỏe con người theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).
Năm 2020, Báo cáo chất lượng không khí năm 2019 của IQAir Visual (IQAir AirVisual có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí), cho biết, 21 trong tổng số 30 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới là các thành phố của Ấn Độ. Đáng quan ngại hơn nữa là 6 thành phố trong số này còn có tên trong top 10 những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ghaziabad – thành phố ở phía bắc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí trung bình (AQI) năm 2019 là 110,2 – gấp đôi ngưỡng có thể chấp nhận được mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ khuyến cáo.
Những con số mới nhất được thống kê hồi đầu tháng 3/2023 lại một lần nữa cho thấy Ấn Độ vẫn là nơi đứng đầu về ô nhiễm không khí. Báo cáo Chất lượng Không khí thế giới lần thứ 5 do công ty IQAir lập và công bố cho thấy có tổng cộng 39 thành phố của Ấn Độ nằm trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, Bhiwadi ở bang Rajasthan với mức PM2.5 là 92,7 bị đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ và là thành phố ô nhiễm thứ 3 trên thế giới. Đặc biệt, Delhi với mức PM2.5 là 92,6 – gần gấp 20 lần giới hạn an toàn, nằm thứ 4 trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Mới đây nhất, ngày 4/11 vừa qua, thủ đô New Delhi đứng đầu danh sách thời gian thực về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới do IQAir thực hiện. Chỉ số chất lượng không khí của thủ đô Ấn Độ hôm 3/11 ở mức 640 và được đánh giá “nguy hiểm”, gần gấp đôi vị trí thứ 2 là thành phố Lahore của Pakistan với 335 điểm.
Theo IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở New Delhi hôm 3/11 gấp 53,4 lần mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị. Các trường trung học cơ sở ở thủ đô Ấn Độ đã được lệnh đóng cửa vào ngày 3 và 4/11. Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị đình chỉ.
Nan giải cuộc chiến chống lại “sát thủ thầm lặng”
Không phải vô cớ các chuyên gia đã gọi ô nhiễm không khí là sát thủ thầm lặng. Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn cả thuốc lá hay rượu bia, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu.
Theo khẳng định của WHO, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, khoảng 200.000 trong đó là trẻ dưới 15 tuổi. Trước đó, năm 2022, thống kê của WHO cho biết cứ 100 người có 99 người phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Chicago vào đầu năm 2023, cuộc sống của người dân có thể bị rút ngắn 12 năm do chất lượng không khí kém.
Trong số các quốc gia, Ấn Độ được xem là quốc gia phải đối mặt với “gánh nặng sức khỏe lớn nhất” do ô nhiễm không khí và số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng bởi nồng độ ô nhiễm bụi mịn cao. Từ sự nguy hiểm ấy, Ấn Độ từ lâu đã xem ô nhiễm không khí là vấn nạn đáng quan ngại bậc nhất là xem chống ô nhiễm không khí là một cuộc chiến quyết liệt.
Để có thể chiến đấu và chiến thắng được “sát thủ thầm lặng”, rất nhiều giải pháp, biện pháp chống ô nhiễm không khí đã được đưa ra tại Ấn Độ. Năm 2019, nhiều máy lọc không khí khổng lồ đã được lắp đặt tại các đoạn giao cắt đông đúc ở thủ đô New Delhi nhằm chống lại bụi bẩn trên đường và ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện.
Cũng trong năm nay, nhà chức trách New Delhi đã hạn chế việc sử dụng xe cá nhân trong 2 tuần thông qua một hệ thống phân loại, trong đó cho phép xe chỉ hoạt động luân phiên theo ngày tùy theo đuôi biển số xe là chẵn hay lẻ. Ấn Độ cũng đã cân nhắc việc sử dụng công nghệ đám mây do Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) phát triển nhằm tạo mưa và giảm mức ô nhiễm.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do không có máy bay hay đủ sự hỗ trợ công nghệ cần thiết để phát tán mây. Năm 2022, 521 vòi phun nước, 233 súng chống khói và 150 súng chống khói di động đã được triển khai trên khắp thủ đô Ấn Độ và các vùng lân cận, đặc biệt là những khu vực nơi ô nhiễm không khí sắp chạm ngưỡng “nghiêm trọng”, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Chính quyền vùng Delhi thời gian này cũng đã quyết định cấm các hoạt động xây dựng và phá dỡ trên địa bàn với 586 nhóm được thành lập để giám sát lệnh cấm. Mới đây nhất, Ấn Độ đã khởi động Chương trình Không khí sạch Quốc gia (NCAP) đầu tiên nhằm mục đích giảm 20-30% mức độ bụi mịn PM 2.5 và bụi mịn PM 10 tại 102 thành phố vào năm 2024.
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng cho tới nay, cuộc chiến chống lại “sát thủ thầm lặng” vẫn còn rất nan giải. Đơn cử như lệnh cấm đốt rơm rạ vẫn mãi chưa phát huy hiệu quả bởi các mức phạt chưa được áp dụng nghiêm ngặt, cũng như việc nhà chức trách thiếu giải pháp hỗ trợ máy móc giúp nông dân xử lý rơm rạ, và chưa thể thay đổi nhận thức người nông dân.
Trong bối cảnh cuộc chiến “vẫn chưa đi tới đâu” thì các nghiên cứu vẫn tiếp tục cảnh báo: Khói bụi càng nhiều, sức khoẻ càng giảm, ô nhiễm không khí có liên quan đến đau tim, bệnh hen suyễn, tiểu đường và ung thư gan. Tại New Delhi, việc hít thở khói bụi tương đương với hút 25 điếu thuốc mỗi ngày, góp phần vào việc gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn cầu do ô nhiễm không khí.
Hà Anh