Tại tọa đàm “Tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. “Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu. Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Điều này đã gây tác hại cho sức khỏe cho lớp người trẻ, nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển đất nước.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực được quốc tế ghi nhận trong việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá, áp dụng các biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tuy nhiên công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ cũng đang có xu hướng gia tăng.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thẳn thắn chỉ ra thực trạng ở nhiều khu vực, nhất là vùng sâu vùng xa, công tác quản lý sản phẩm thuốc lá mới chưa thực sự được quan tâm, phó mặc cho cơ quan quản lý thị trường. “Thực tiễn công tác quản lý còn khá lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, dẫn đến sản phẩm thuốc lá mới tồn tại đầy thị trường. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến tác hại rất lớn đối với thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, các đại biểu thẳn thắn chỉ ra Việt Nam chưa có chính sách cụ thể và khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành 10 năm đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế; có vấn đề mới phát sinh như thuốc lá thế hệ mới, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống thuốc lá, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của người sử dụng, nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật nên không có cơ sở để xử lý. Ở Việt Nam vấn đề càng nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng thuốc là thế hệ mới chủ yếu là thanh thiếu niên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan bày tỏ ủng hộ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời cho rằng, cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên….
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan sớm đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt, việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới.
Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá mới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiêm túc thực hiện quy định tại khoản 19 Điều 1 của Nghị định 106/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013-CP về nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý ngăn chặn nhập lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cương kiểm soát tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc lá, các hành vi vi phạm quảng cáo, không chấp hành quy định in ấn cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển thuốc lá qua biên giới và cửa khẩu, đặc biệt là thuốc lá mới.