Từng “sống khỏe” nhờ sạp hàng
Buôn bán lâu năm tại chợ Sang Trắng, bà Trần Thị Tư – một tiểu thương – cho biết, trước đây, việc buôn bán rất tốt; nhờ sạp hàng này mà bà lo liệu được chi tiêu trong gia đình cũng như nuôi các con lớn khôn.
“Nhà tôi không có ruộng nương gì nên thu nhập nuôi sống của cả gia đình cũng như lo cho các con ăn học đều dựa vào sạp hàng này. Ngày trước buôn bán được lắm, khách hàng ủng hộ nhiều, tôi và chồng thường xuyên đi mua lúa, cân gạo khắp nơi về bán. Nhờ đó mà dư dả, cuộc sống gia đình cũng không phải lo gì nhiều”, bà Tư nói.
Tuy nhiên, bà Tư chia sẻ từ sau dịch COVID-19, việc buôn bán ngày càng ế ẩm, sức mua của người dân, đặc biệt là công nhân, đều giảm mạnh, người bán thì nhiều, người mua thì ít: “Tôi bán ở đây chủ yếu là nhờ công nhân tan làm về mua. Nhưng từ sau dịch đến giờ, công nhân ít việc, thất nghiệp, thu nhập giảm nhiều nên cũng ít ghé chợ hơn. Vì vậy, phần lớn tôi chỉ bán cho khách quen nhưng cũng chậm hơn trước nhiều”.
Chị L.M.Xuyên – cũng là một tiểu thương chợ Sang Trắng – không khỏi ngán ngẩm khi sức mua của khách hàng ngày một giảm dần. Bởi trước đây, việc buôn bán giúp chị có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống: “Lúc trước ngoài người dân, tôi còn bán được thêm cho công nhân ở khu công nghiệp kế bên. Nhờ đó, cuộc sống cũng có đồng vô đồng ra, chi tiêu trong gia đình”.
Tuy nhiên, chị Xuyên cũng hiểu việc buôn bán chậm hơn là không tránh khỏi khi tình hình kinh tế khó khăn, đời sống công nhân lao động bị ảnh hưởng, mọi người đều tiết kiệm chi tiêu, hạn chế mua sắm.
“Khoảng thời gian trở lại đây, lượng hàng bán ra chậm hơn, sức mua của công nhân cũng không còn nhiều. Bởi công nhân không tăng ca, không có việc làm nên cũng tiết kiệm hơn. Nếu công nhân có mua thì cũng ít, không thoải mái như trước đây”, chị Xuyên kể lại.
Đồng lời bấp bênh
Không chỉ ngán ngẩm trước tình hình giảm sức mua, hàng hóa bán ra chậm, bà Tư còn đang phải đối mặt với việc giá cả hàng hóa trên thị trường leo thang, nhất là gạo – mặt hàng buôn bán chủ yếu của bà.
“Buôn bán không bằng trước đây, cộng thêm hàng hóa trên thị trường liên tục biến động cũng gây khó khăn cho tôi. Bên cạnh các mặt hàng như đường, trứng, đậu…, ở đây, tôi bán gạo là chủ yếu. Mấy tháng vừa rồi, gạo cứ tăng liên tiếp, tôi cũng phải tăng theo. Nhưng tăng thì sức mua vốn đã ít nay còn giảm thêm”, bà Tư chia sẻ.
Cho nên, để duy trì việc buôn bán, giữ chân khách hàng, đặc biệt là công nhân lao động, tiểu thương này chỉ tăng giá chút ít, chấp nhận đồng lời ít đi. Bởi với bà, giờ có khách mua đã khó, muốn bán đắt và lời nhiều lại càng khó hơn.
Tương tự, hàng hóa leo thang, sức mua người tiêu dùng giảm sút cũng ảnh hưởng đến thu nhập của chị Xuyên: “Hàng hóa nhập vào tăng giá, bán ra thì chậm, làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của tôi. Bởi ngoài tiền vốn bỏ ra nhập hàng, tôi còn phải chịu các chi phí như tiền thuê lô, điện, nước… Tùy lô nhỏ, lớn mà sẽ có giá thuê dao động từ vài chục đến hơn 100.000 đồng/ngày. Cho nên, kinh tế gia đình eo hẹp hơn”.
Trước thực trạng ế ẩm ảnh hưởng đến kinh tế, nhiều tiểu thương ở chợ mong muốn giá cả thị trường lẫn tình hình việc làm của người lao động sớm ổn định để việc buôn bán được khởi sắc, nhất là mấy tháng cuối năm tới đây.