Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Do vậy khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò rất quan trọng.
Khoa học xã hội và nhân văn phải tham gia dẫn dắt, định hướng xã hội
Sáng 13-11, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đã đến thăm và làm việc tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng.
Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng, bởi đó là khoa học về con người, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người, giúp cho con người trở nên ưu tú hơn, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển, để xã hội ngày càng tốt đẹp.
“Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển, mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho rằng nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người – nguồn nhân lực của xã hội – có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường.
“Trường đại học là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo.
Từ đây cung cấp cho xã hội những công dân có trách nhiệm, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả; những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo… là lực lượng đưa tri thức, khoa học và văn hóa thấm sâu vào xã hội, tạo nền tảng, động lực phát triển phục vụ hiệu quả cho con người và xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, khó lường, cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn.
Điều này làm xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải có sự theo kịp, đáp ứng tốt, có khả năng phân tích, dự báo, lý giải thuyết phục và tham gia dẫn dắt, định hướng xã hội.
Chủ tịch nước xúc động khi về thăm trường cũ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ, hôm nay ông rất vui mừng và xúc động về thăm Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong những ngày cả nước đang hướng đến một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa – kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Ông Thưởng cho rằng Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước chia sẻ: “Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên.
Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các cô giáo, thầy giáo chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô. Mỗi dịp trở lại trường, tôi đều xúc động, phấn khởi và tự hào trước những thành tựu mà các thế hệ thầy cô nối tiếp nhau đã dày công vun đắp”.
Đến nay, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía Nam của đất nước và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Trường đã thu hút và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng. Nhiều cựu sinh viên của nhà trường nay đã thành danh trong nhiều lĩnh vực và có đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước.
Trong giảng dạy, nghiên cứu và phụng sự xã hội, nhà trường đã có nhiều bước đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn.
Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận và đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương, vùng và đất nước.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với niềm tự hào riêng của một cựu sinh viên, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua”, ông Thưởng nói.
Nhà nước cần quan tâm ngành khoa học xã hội và nhân văn
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – cho rằng trong bối cảnh tự chủ giáo dục ở giai đoạn đầu còn nhiều thách thức, Nhà nước cần có sự quan tâm kịp thời đối với việc nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học cơ bản, cụ thể là ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Nếu không có sự quan tâm kịp thời và hiệu quả thì các lĩnh vực khoa học cơ bản này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế thị trường, và hệ quả là sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.
Để đảm bảo sự công bằng cho sự tiếp cận giáo dục đại học, Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách cho vay tín dụng phù hợp đối với sinh viên, để các em có thể thực hiện được ước mơ đại học, phát huy được năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội.
Tuoitre.vn