Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 được diễn ra từ ngày 11/11 đến 19-11 với không gian lễ hội mở rộng từ TP. Pleiku đến “vùng thắng cảnh” Chư Păh hay ngược lên biên giới Ia Grai với Hội đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh trên dòng Pô Cô huyền thoại với Festival Văn hóa cồng chiêng là Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Giải chạy “Gia Lai city trail 2023 – Giấc mơ đại ngàn” và Ngày hội Văn hoá Du lịch thành phố Pleiku… hứa hẹn sẽ là một hành trình kết nối giàu cảm xúc như một đại tiệc phong phú, đặc sắc và hấp dẫn.
Sẽ có trên 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên góp sắc màu cho Festival Văn hóa cồng chiêng. Ảnh: H.N
Gia Lai với điều kiện tự nhiên thuận lợi có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Lào. Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà đã tạo cho Gia Lai có những thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đang Ya, di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng – Gò Đá khu di tích khảo cổ học chứng minh nơi có dấu vết con người đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam – từ thời sơ kỳ Đá cũ, niên đại khoảng 80 vạn năm… và hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.
Tái hiện Lễ bỏ mả tại Tuần Văn hoá – Du lịch năm 2022 (Ảnh: CTTĐT Gia Lai)
Sự kiện mở đầu cho Tuần văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 là Festival Văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”, festival là sự kiện tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng và tinh thần kế thừa, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên-những chủ nhân của di sản. Đây sẽ là cuộc hội tụ và trở về của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phố núi Pleiku-nơi 18 năm trước đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO trao cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Người dân và du khách sẽ được sống trong không khí hội hè với sắc màu lấp lánh của di sản văn hóa thế giới.
Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của hai dân tộc thiểu số chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội, âm nhạc, điêu khắc, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục… Không gian văn hóa cồng chiêng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, kết hợp cùng chuỗi di tích lịch sử và các địa điểm tâm linh tôn giáo đặc sắc đã tạo nên những thế mạnh riêng có để Gia Lai phát triển các loại hình: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, 3 du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô Ảnh: Báo Gia Lai
Tuần văn hóa, du lịch Gia Lai năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú như: Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; Tuần lễ Hoa Dã Quỳ – Núi lửa Chư Đang tại Làng Ia Gri, khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh; Ngày hội Văn hoá Du lịch thành phố Pleiku tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ, xã Biển Hồ; Liên hoan văn hoá cồng chiêng huyện Ia Grai tại Làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai; Trưng bày, triển lãm nhạc cụ Tây Nguyên; ảnh nghệ thuật về văn hóa Gia Lai; giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia của tỉnh Gia Lai; Không gian cà phê Gia Lai: Farm to Cup và Không gian thổ cẩm Gia Lai; Chương trình trải nghiệm các tour du lịch Gia Lai – Tour như tham quan núi lửa Chư Đang Ya, danh thắng Biển Hồ T’Nueng, Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh, tham quan Thủy điện Ia Ly, tìm hiểu văn hóa người Jrai tại làng Kép, tham quan suối đá cổ, huyện Chư Păh, tham quan thác Mơ, lòng hồ Sê San, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, chùa Minh Thành.
“Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”. Ảnh: H.N
Đặc biệt từ ngày 16/11 đến 19/11 sẽ diễn ra loạt các sự kiện như đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hoá cồng chiêng huyện Ia Grai, Trình diễn trang phục truyền thống, thi dân vũ Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương,; Ngày hội văn hóa du lịch Pleiku; Hội chợ trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hoá, du lịch, ẩm thực tiêu biểu và sản phẩm OCOP; Biểu diễn cồng chiêng…So với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai vẫn giữ được sự nguyên sơ, chưa bị tác động nhiều bởi sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội. Văn hóa truyền thống còn tồn tại rất nhiều ở các làng người thiểu số. Điều này đã tạo nên một Gia Lai khó trộn lẫn và thật sự đặc biệt.
Sẽ có nhiều hoạt động tái hiện không gian văn hóa, sinh hoạt tại cộng đồng. Ảnh: H.N
Với những thành công từ các mùa lễ hội trước, tin tưởng rằng chuỗi sự kiện lớn về: Tuần văn hóa, du lịch Gia Lai năm 2023 với nhiều hoạt động đặc sắc hấp dẫn sẽ tiếp tục phát huy được tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Đồng thời, góp phần tôn vinh những giá trị đặc sắc, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người và các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên với mảnh đất bazan đầy nắng gió nhưng luôn mến khách, hy vọng Gia Lai sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và luôn hướng tới du khách trong nước và quốc tế./.
Diêm Giang